Sau phiên giảm mạnh ngày 25.4, chỉ số chứng khoán VN-Index mất hơn 68 điểm. Những phiên sau đó, thị trường hồi phục, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ nói chung, đặc biệt là những cổ phiếu thị trường, đầu cơ, đã tăng giá mạnh trở lại.
Những mã cổ phiếu thị trường, đầu cơ tăng mạnh trở lại từ phiên giao dịch chứng khoán ngày 26-29.4, bù cho khoảng giá nhóm cổ phiếu này đã mất trong nhiều phiên trước đó.
Cụ thể, nhiều mã trước đó giảm từ 20-30% sau mạch tăng nóng, thậm chí không ít mã giảm trên dưới 40%.
Đơn cử mã BCG trên sàn HSX, mức giá đỉnh tại ngày 18.3 là 27.400 đồng, giảm một mạch đến ngày 25.4 còn 16.200 đồng, mất tổng cộng 11.200 đồng, tương ứng mức giảm 40,9%.
PET mức giá đỉnh 67.800 đồng kết phiên ngày 4.4, giảm xuống mức 46.000 đồng tại phiên ngày 26.4, mất tổng cộng 21.800 đồng, tương ứng mức giảm 32,2%.
Trong khi đó, CKG có mức giá đỉnh tại phiên ngày 25.3 là 33.500 đồng, giảm một mạch xuống còn 18.950 đồng tại phiên ngày 25.4, mức giảm tổng cộng là 43,5%.
Nhiều mã cổ phiếu đầu cơ, có mức giá dưới 10.000 đồng, trong 4 phiên về cuối tuần giao dịch vừa qua (26-29.4) trước kỳ nghỉ lễ, cũng đã tăng mạnh trở lại, như: FLC tăng 33,23%; ROS tăng 32,75%; AMD tăng 29,66%; HAI tăng 28,01%; LCM tăng 27,16%…
Với những mã cổ phiếu thị trường có thị giá trên 15.000 đồng như CKG, BCG, mức tăng trở lại từ “đáy” ngày 25.4 cũng đã xấp xỉ 20%.
Tương ứng, chỉ số của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ VNSML-Index cũng tăng trở lại hàng chục điểm mỗi phiên.
Đây là một phản ứng thường thấy trên thị trường chứng khoán. Trong đó, các cổ phiếu thị trường và đầu cơ giảm nhanh và phục hồi cũng nhanh, sức mua mất nhiều nhưng cũng nhanh trở lại. Tuy nhiên, diễn biến đó không dành cho tất cả mà chỉ diễn ra ở những cổ phiếu thường có dòng tiền vào mạnh và cũng thường tạo sóng trên thị trường.
Và cũng cần biết rằng, trước đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng là một trong những “tội đồ” chính dẫn đến những phiên giảm mạnh, đặc biệt là làn sóng bán giải chấp gây ra phiên giảm hơn 68 điểm ngày 25.4.2022.
Khi nhóm cổ phiếu thị trường, đầu cơ đã hồi phục cũng cho thấy đợt bán giải chấp đã qua đi, những cổ phiếu yếu và dính dáng đến call margin đã được “rũ sạch”, nhà đầu tư lại có thể tiếp tục vay margin để đầu tư, lướt sóng.
Tuy nhiên, sự tăng giá trở lại rất nhanh của những cổ phiếu đầu cơ với thị giá nhỏ khó có thể kích thanh khoản thị trường tăng mạnh. Và một khi thiếu sự hỗ trợ của thanh khoản, nhịp hồi phục khó bền vững, đặc biệt là khi những nhóm cổ phiếu trụ trên thị trường lại chưa thể hồi phục trở lại một cách mạnh mẽ.
Song nói đi cũng cần nói lại, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ nói chung và đầu cơ nói riêng hồi phục chí ít cũng giúp chặn đứng làn sóng bán giải chấp, tạo tâm lý bớt lo lắng hơn. Đối với những nhà đầu tư lướt sóng nhanh nhạy, thậm chí còn có thể nắm bắt nhịp tăng này tìm kiếm được lợi nhuận.
Tâm lý thị trường chứng khoán nhờ đó cũng bớt tiêu cực hơn. Và có thể tin vào nhịp hồi phục ngắn hạn, nhà đầu tư sẽ giải ngân thăm dò vào những mã cổ phiếu đã có mức giá hấp dẫn, tình hình kinh doanh khả quan và tăng trưởng tốt trong quý I và triển vọng trong năm 2022.
Theo báo Lao Động