Giá dầu tăng phiên thứ 3 liên tiếp vào ngày thứ Ba (28/6) khi các nhà sản xuất chủ chốt Ả-rập Xê-út và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có vẻ không thể tăng sản lượng đáng kể, trong khi chính phủ các quốc gia phương Tây thống nhất tìm cách giới hạn giá dầu Nga.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tiến 1.19 USD (tương đương 1%) lên 116.28 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 96 xu (tương đương 0.9%) lên 110.53 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng khép phiên trước đó đều tăng gần 2%.
Lãnh đạo các quốc gia nhóm G7 cho biết sẽ xem xét xây dựng một lệnh cấm đối với việc vận chuyển dầu Nga đã được bán trên một mức giá nhất định khi nhóm này tìm cách gia tăng áp lực lên Moscow vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Doanh thu xuất khẩu dầu của Nga tăng trong tháng 5, ngay cả khi khối lượng giảm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo vào tháng 6.
Các lệnh cấm của phương Tây đối với Nga và các sản phẩm dầu khí đã dẫn đến đà tăng mạnh giá năng lượng toàn cầu trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, các nhà sản xuất chủ chốt khác vẫn chưa thực hiện sự thúc đẩy đáng kể nào đối với sản xuất.
Ả-rập Xê-út và UAE được xem là 2 quốc gia duy nhất thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có đủ năng lực để bù đắp nguồn cung bị mất của Nga và sản lượng thấp từ các quốc gia thành viên khác.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề cuộc họp G7 rằng UAE đang sản xuất với công suất tối đa và Ả-rập Xê-út có thể nâng sản lượng chỉ 150,000 thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với công suất dự phòng khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Bộ trưởng năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei cho biết vào ngày 27/6 rằng nước này đang sản xuất gần công suất tối đa dựa trên hạn ngạch 3.168 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận với OPEC và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+.
Các chuyên gia phân tích cũng cho biết những bất ổn ở Ecuador và Libya có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Theo Fili