Giá dầu giảm trong ngày 1.8 do dữ liệu sản xuất yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản trong tháng 7 ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) chuẩn bị họp ngày 3.8 về việc điều chỉnh nguồn cung.
Giá dầu giảm
Theo Reuters, giá dầu thô Brent giao sau giảm 1,19 USD, tương đương 1,1%, ở mức 102,78 USD/thùng lúc 02h12 GMT ngày 1.8. Giá dầu WTI ở mức 97,19 USD/thùng, giảm 1,43 USD, tương đương giảm 1,5%.
Dữ liệu ngày 1.8 cho thấy, trong tháng 7, hoạt động sản xuất ở Nhật Bản tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 10 tháng gần đây. Trong khi đó, các đợt phong tỏa COVID-19 mới nhất ở Trung Quốc đã đánh bại sự phục hồi ngắn ngủi hồi tháng 6 đối với hoạt động sản xuất của nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này. Chỉ số quản lý sức mua PMI giảm xuống 50,4 trong tháng 7 từ mức 51,7 của tháng trước, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích.
Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết: “Chỉ số PMI đáng thất vọng của Trung Quốc là yếu tố chính gây áp lực lên giá dầu. Dữ liệu cho thấy sự suy giảm đáng ngạc nhiên của các hoạt động kinh tế, chứng tỏ sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ các đợt đóng cửa vì COVID-19 có thể không tích cực như dự kiến trước đó, làm mờ đi triển vọng nhu cầu của thị trường dầu thô”.
Giá dầu Brent và WTI đã kết thúc tháng 7 với mức giảm hằng tháng thứ hai liên tiếp, lần đầu tiên kể từ năm 2020, do lạm phát tăng vọt và lãi suất cao hơn làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết doanh số bán nhiên liệu cho các lái xe ở Anh đang suy yếu, trong khi nhu cầu xăng vẫn ở dưới mức trung bình 5 năm cho thời điểm này trong năm. Theo kết quả thăm dò của Reuters, các nhà phân tích dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2022 giảm còn 105,75 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm xuống mức 101,28 USD.
Cuộc họp của OPEC+
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và các đồng minh bao gồm Nga, nhóm được gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày 3.8 để quyết định về sản lượng của tháng 9. Trước cuộc họp này, ngày 29.8, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman đã có cuộc gặp tại Riyadh với Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, nhà đàm phán hàng đầu của OPEC+, để thảo luận về sự hợp tác hơn nữa giữa hai nước.
Trong khi đó, Tổng Thư ký mới của OPEC, ông Haitham al-Ghais, nói rằng tư cách thành viên của Nga trong OPEC+ là rất quan trọng cho sự thành công của tổ chức, tờ Alrai của Kuwait trích dẫn cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Haitham al-Ghais. Ông al-Ghais cho biết, OPEC không cạnh tranh với Nga, gọi nước này là “một người chơi lớn, chủ chốt và có ảnh hưởng lớn trong bản đồ năng lượng thế giới”.
Ông al-Ghais nói, OPEC không kiểm soát giá dầu, nhưng tuân thủ cái gọi là điều chỉnh thị trường theo cung và cầu, mô tả tình trạng hiện tại của thị trường dầu là “rất bất ổn và hỗn loạn”. Về những đợt tăng giá dầu gần đây, ông al-Ghais nói: “Các đợt tăng giá dầu gần đây không chỉ liên quan đến diễn biến giữa Nga và Ukraina. Tất cả các dữ liệu xác nhận rằng giá dầu bắt đầu tăng dần và tích lũy từ trước xung đột Nga-Ukraina, do nhận thức phổ biến trên thị trường rằng một số quốc gia thiếu năng lực sản xuất dự phòng”.
Giá dầu đã tăng vọt vào năm 2022 lên mức cao nhất kể từ năm 2008, lên trên 139 USD/thùng vào tháng 3, sau khi Mỹ và Châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraina. Kể từ đó, giá dầu đã giảm xuống khoảng 108 USD, do lạm phát tăng vọt và lãi suất cao hơn làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái.
Trả lời câu hỏi về những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến giá dầu vào cuối năm nay, ông al-Ghais nói: “Theo quan điểm của tôi, yếu tố quan trọng nhất sẽ là việc tiếp tục thiếu các khoản đầu tư vào lĩnh vực khoan, thăm dò và sản xuất. Điều này sẽ đẩy giá theo hướng đi lên, nhưng chúng tôi không thể xác định mức mà chúng sẽ đạt được”.
Theo các nguồn tin trong OPEC+ của Reuters, mức tăng sản lượng khiêm tốn có khả năng được thảo luận trong cuộc họp ngày 3.8. Việc OPEC+ không tăng sản lượng sẽ khiến Mỹ thất vọng. Tổng thống Joe Biden đã đến thăm Saudi Arabia trong tháng 7, với hy vọng đạt được một thỏa thuận về tăng sản lượng dầu. Một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ cho biết, nguồn cung bổ sung sẽ giúp ổn định thị trường.
Với việc giá dầu giảm kể từ mức đỉnh tháng 3 năm nay, một số người trong OPEC+ không tin rằng có cơ sở cho việc tăng thêm nguồn cung. “Tôi kỳ vọng sản lượng sẽ không tăng trong tháng 9”, một nguồn tin OPEC+ khác cho biết, đồng thời nói rằng cuộc họp không có khả năng thảo luận về sản lượng vượt quá mức đó.
Bất kỳ sự gia tăng nguồn cung nào nữa của OPEC+ sẽ có thể không đạt được mức đã cam kết, do nhiều nhà sản xuất phải vật lộn để đạt được mục tiêu sản lượng vì thiếu đầu tư vào các mỏ dầu. Chỉ có hai thành viên OPEC có năng lực dự phòng đáng kể – Saudi Arabia và UAE – và cả hai đều cho biết họ không sẵn sàng khai thác năng lực dự phòng này để đáp lại lời kêu gọi tăng sản lượng từ Châu Âu và Mỹ để bù đắp sản lượng thiếu hụt của Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây.