Thứ tư, Tháng Một 15, 2025

Nhiều đề xuất trả ‘tự do’ cho thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước đã duy trì bán vàng miếng SJC qua 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) 1 tháng nay. Tuy nhiên, người dân vẫn kêu khó mua cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn thời điểm này. Từ việc Công ty SJC không mua vàng chỉ có 1 chữ SJC cho đến việc mua bán vàng phải kê khai thông tin khách mua bán, nhiều ý kiến cho rằng thị trường vàng đang bị quản chặt.

Nhiều đề xuất trả 'tự do' cho thị trường vàng- Ảnh 1.

Nhu cầu mua bán vàng của người dân chưa được đáp ứng đầy đủ.

Người dân vẫn khó giao dịch

Giá vàng miếng SJC duy trì mức 79,8 triệu đồng/lượng tăng theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn cũng duy trì gần mốc 78 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh tại một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý lớn tại Hà Nội rất ảm đạm. Đa số các cửa hàng đều thông báo không có vàng miếng SJC gần 2 tháng nay. Một số cửa hàng bán ra vàng nhẫn tròn trơn với khung giờ cố định.

Ngày nào cũng di chuyển qua các cửa hàng kinh doanh vàng trên đường Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội), anh Nguyễn Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn chưa mua được lượng vàng nhẫn nào.

“Tôi đến từ 9h sáng để sẵn sàng xếp hàng vào mua vàng nhẫn. Thế nhưng vừa đến nơi, nhân viên đã thông báo hôm nay không có vàng nhẫn bán ra và cửa hàng không rõ trong ngày có bán ra hay không”, anh Tiến chia sẻ. Còn chị Minh Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) chưa lần nào đặt mua vàng trực tuyến thành công từ 4 ngân hàng quốc doanh cũng như Công ty SJC.

Việc khó mua bán vàng tại các đơn vị bán vàng miếng SJC được cấp phép khiến thị trường “chợ đen” âm thầm hoạt động. Tại phố Hà Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoạt động mua – bán vàng miếng vẫn diễn ra. Phần lớn các chủ cửa hàng tại con phố nhỏ này đều cho biết họ không mua, không bán vàng miếng SJC mà chỉ mua – bán các loại vàng, bạc nữ trang, các loại nhẫn tròn đủ kích thước.

Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi. Nếu khách hàng muốn mua hay bán vàng miếng từ 10 lượng trở lên đều được đáp ứng nhưng giá đều cao hơn 4 – 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng các doanh nghiệp lớn niêm yết.

Trong khi thị trường vàng miếng khó mua như hiện nay, tại TPHCM, Công ty SJC thông báo không mua vàng miếng SJC loại 1 chữ. Điều này khiến người dân bức xúc vì trên thị trường đã khó mua vàng nay còn khó bán cho chính nơi sản xuất ra.

Lùm xùm này khiến Công ty SJC phải thông báo mua lại vàng miếng một chữ và móp méo từ ngày 5/8. Quyết định này được đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức gia công đối với số vàng mà công ty đang tồn kho. Theo bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc Công ty SJC, công ty thu mua loại vàng miếng một chữ bằng giá với loại vàng miếng hai chữ đang lưu hành.

Nguyên nhân là công ty còn tồn khoảng 1.000 lượng vàng đã thu mua trong hai tháng qua. Trong khi đó, doanh nghiệp này chưa được Ngân hàng Nhà nước cho mở xưởng gia công, dập lại vàng. Lượng vàng tồn cũng không được bán ra thị trường. Do đó, công ty hẹn khách hàng đợi đến khi xử lý xong số vàng trên mới có thể thu mua trở lại. “Quá trình chờ cấp phép dập lại vàng miếng một chữ và móp méo thành loại mới khá lâu, lượng tồn kho tăng lên làm ảnh hưởng đến việc cân đối nguồn vốn của công ty”, bà Hằng chia sẻ.

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý II/2024 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.

Trả lại vàng cho thị trường

UBND TPHCM vừa qua cho biết, sẽ lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng, thu thập thông tin người mua bán vàng miếng và chuyển cho bên công an. Trên thực tế, trong 2 tháng qua, việc ghi nhận thông tin của khách hàng gồm họ tên, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ đã diễn ra tại 4 ngân hàng và Công ty SJC .

Chị Nguyễn Thoa (Hà Nội) bày tỏ: “Mua vàng miếng với số lượng bao nhiêu thì sẽ bị quy là đầu cơ, tích trữ? Chẳng hạn như tôi mua 10 lượng vàng SJC nhưng sau 3 tháng, tôi bán ra đúng lúc giá vàng tăng và thu lợi một khoản tiền đáng kể thì đó có phải là đầu cơ không hay chỉ đơn thuần là hoạt động chốt lời”.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, không nên áp dụng mệnh lệnh hành chính vào quản lý thị trường vàng. Việc thành lập tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng là không cần thiết. “Hiện, thị trường vàng miếng đã bình ổn trong một thời gian dài. Chúng ta cũng đã có hàng loạt quy định liên quan đến chống buôn lậu, đầu cơ vàng, chẳng hạn như Quyết định 11 của Thủ tướng quy định, người giao dịch số lượng vàng có trị giá từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo. Bộ Công an, cơ quan thuế, hải quan cũng đã vào cuộc. Vàng nên trả lại đúng cho thị trường”, ông Hùng nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cũng cho rằng: “Xét cả về bối cảnh thị trường và cơ sở pháp lý thì không cần thiết phải có thêm tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng”. Từ trước đến nay không có quy định nào cấm người dân mua vàng với số lượng lớn.

Chưa kể, hoạt động chống đầu cơ thường chỉ xuất hiện trong bối cảnh đặc biệt, ví dụ như khi có bão lũ hạn hán, một số sản phẩm như lương thực thực phẩm, một số hàng hóa phục vụ đảm bảo đời sống thiết yếu của người dân trở nên khan hiếm.

“Vàng không phải là sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày. Đơn giản đó chỉ là sản phẩm mà người dân xem như tài sản để tích lũy, là của để dành. Thậm chí, từ trước đến nay người có tiền mua cả trăm cây vàng cũng không vi phạm gì. Tương tự, người đi mua giùm cho người khác cũng không hề vi phạm”, ông Đức nói.

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT