Phó Đức Nam – Mr Pips – cùng đồng bọn đăng tải những hình ảnh hào nhoáng, giàu sang… như những “mồi nhử” để dụ dỗ nhà đầu tư nộp tiền rồi chiếm đoạt.
Phó Đức Nam sinh năm 1994 tại phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 27 tuổi, Nam hợp tác với Lê Khắc Ngọ (khi đó 31 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) xây dựng “đế chế” riêng, với thủ đoạn tinh vi và một vẻ ngoài hào nhoáng, giàu sang.
“Thần tượng của giới trẻ?”
Mr Pips là tên tài khoản TikTok của Phó Đức Nam, với hàng nghìn lượt theo dõi, hàng chục nghìn lượt yêu thích. Những clip mà Nam đăng tải chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư ngoại hối, chứng khoán phái sinh.
Bên cạnh đó, Nam còn chia sẻ về cuộc sống “thượng lưu”, xa hoa, giàu có của bản thân. Anh ta không ngần ngại khoe về những tài sản bản thân có được là từ việc đầu tư. Từ đó, nam thanh niên này kêu gọi, hướng dẫn mọi người cùng đầu tư để kiếm lời.
Trên trang Facebook cá nhân, Phó Đức Nam khoe tiền, khoe siêu xe, khoe những hình ảnh phản cảm chụp cùng những mỹ nữ, ở những nơi sang trọng.
Anh ta từng phô trương sự giàu có bằng cách “bày” những xế hộp hàng tỷ đến vài chục tỷ đồng mỗi chiếc, ở trước cửa Nhà hát lớn Hà Nội. Mr Pips dần trở thành thần tượng giới trẻ, “idol” trong làm giàu, kinh doanh tài chính.
Còn Lê Khắc Ngọ lại đặt cho bản thân biệt danh Mr Hunter. Tài khoản TikTok của đối tượng này đăng tải những clip như: “Làm gì để nhiều tiền?”, “Từ vỡ nợ đến dựng cơ ngơi”, “Động lực kiếm tiền tiến xa bằng giá trị”…
Giống như Nam, Ngọ cũng chia sẻ, “phông bạt” bằng những hình ảnh đi ô tô siêu sang, chơi những bộ môn “quý tộc”, đồng hồ hàng hiệu…
Tất cả những điều trên, Nam và Ngọ “bày ra” như những “chiếc bẫy ngọt ngào”, dụ dỗ, lôi kéo những nhà đầu tư cả tin, thiếu kiến thức, ôm mộng làm giàu nhanh đổ tiền vào những sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trên ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5.
Kết quả, hơn 2.600 người được nhà chức trách xác định là bị hại, bị chiếm đoạt tài sản.
Hơn 5.200 tỷ đồng là giá trị ước tính của số tài sản bị công an thu giữ, phong tỏa từ nhóm của Mr Pips. Cái bẫy bị phơi bày, vẻ hào nhoáng, thành công, giàu sang của cặp đôi “hot TikToker” giờ đây cũng đã bị xé toạc.
Phó Đức Nam bị khởi tố, cùng 30 đối tượng khác. Còn Lê Khắc Ngọ đang bỏ trốn, bị cơ quan chức năng truy nã.
Đằng sau những “miếng mồi”
Bắt nguồn từ những đơn tố cáo và quá trình trinh sát, Công an quận Cầu Giấy đã phối hợp với Công an TP Hà Nội, các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an điều tra, lần theo những dấu vết mà nhóm tội phạm để lại.
Để từ đó, nhà chức trách triệt phá đường dây Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức đầu tư ngoại hối, chứng khoán phái sinh lớn nhất từ trước đến nay.
Trở lại thời điểm Nam 27 tuổi, năm 2021, Nam đã cùng Ngọ liên kết với một đối tượng người Thổ Nhĩ Kỳ, có văn phòng điều hành tại TP Phnom Penh (Campuchia).
Bộ 3 này chỉ đạo 7 đối tượng khác ở Việt Nam thành lập nhiều công ty “ma” (đặt trụ sở tại TPHCM, TP Hà Nội và một số tỉnh thành khác), trong đó có một công ty tại TPHCM làm “bình phong” và có 44 văn phòng tại Việt Nam (24 văn phòng làm việc trên địa bàn Hà Nội, 20 văn phòng tại các tỉnh, thành khác).
Mặc dù không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng công ty của Nam và đồng bọn vẫn tuyển dụng nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.
Trong thời gian ngắn, bộ máy của Nam có tới khoảng 1.000 nhân viên, làm việc từ 8h đến 21h hàng ngày.
Các đối tượng đã tạo lập, quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế, có uy tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Công an Hà Nội cho biết, các trang mạng này về bản chất đều đã được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng của các đối tượng quản lý; mỗi sàn giao dịch đều được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới hiện nay.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng núp bóng dưới danh nghĩa công ty, trang mạng hoạt động về lĩnh vực Tele Marketing (tiếp thị, quảng bá sản phẩm qua điện thoại), Tele Sale (tư vấn, bán hàng qua điện thoại), tư vấn đầu tư tài chính, môi giới chứng khoán (đầu tư vào các mã chứng khoán trên sàn chứng khoán quốc tế như: Facebook, Apple, Pepsi, Microsoft, Adidas), để dụ dỗ, lôi kéo các khách hàng tham gia.
Đồng thời, các đối tượng lập trang web “artexvina.co”, xây dựng hình ảnh công ty một cách bài bản, chuyên nghiệp về lĩnh vực tư vấn đầu tư chứng khoán trên sàn quốc tế.
Bộ máy của Nam được phân cấp, với nhiều bộ phận như: Kế toán, nhân sự, bộ phận IT, bộ phận kinh doanh và chăm sóc khách hàng…
Các bộ phận trong công ty thực hiện các hoạt động độc lập, bổ trợ lẫn nhau, tiếp xúc với khách hàng thông qua các mạng xã hội như Zalo, Telegram… để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của các đối tượng là cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định.
Khách hàng sẽ được đưa vào các nhóm trò chuyện riêng tư, được hướng dẫn, tư vấn “đánh” các lệnh mua bán, kích thích nạp tiền, sử dụng “đòn bẩy” (vay) để con mồi “cháy” tài khoản. Tuy nhiên, trước khi để bị hại bị “cháy”, chúng thả những “miếng phomai” là các giao dịch có lãi thật, nhưng ít tiền, để nhà đầu tư bị mê hoặc, kích thích và “tất tay”.
Chưa dừng lại ở đó, khi khách hàng đã hết tiền, các đối tượng lại cung cấp các thông tin sai sự thật để nhà đầu tư có niềm tin, chuyển thêm tiền để “gỡ”. Đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính, các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.
Cơ quan điều tra yêu cầu những người liên quan đến hành vi phạm tội của các sàn giao dịch, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khẩn trương ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Đồng thời, nhà chức trách đề nghị những người là bị hại cần trình báo với phòng Cảnh sát hình sự Công an các tỉnh, thành trên toàn quốc hoặc Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội (số 90 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội; số điện thoại: 0886.882.338).
50 triệu USD và những xế sang, vàng miếng, đồng hồ hiệu…
Ngày 25/10, Công an Hà Nội đã phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an có liên quan, tổ chức lực lượng bắt giữ hàng chục đối tượng trong băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia này.
Đến nay, cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng, gồm: 316 tỷ tiền trong tài khoản, trái phiếu trị giá 9 tỷ đồng, sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng; 69 tỷ đồng, 2,3 triệu USD; 890 miếng vàng SJC; 246kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe, 7 xe mô tô hạng sang, 59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương… Bên cạnh đó, nhà chức trách đã phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản.
Thượng tá Cao Văn Thái, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, cho biết thông qua dữ liệu điện tử thu thập được từ các đối tượng, cơ quan điều tra hiện xác định được 2.661 bị hại.
Những bị hại này được “tìm thấy” qua hồ sơ của những nhân viên sale, có đầy đủ họ tên, thông tin cá nhân. Trong đó, dữ liệu về số tiền nạp ban đầu của hơn 2.600 cá nhân này thể hiện họ đã nạp tổng khoảng 50 triệu USD.
Đây mới chỉ là số tiền nộp ban đầu, và có thể con số sẽ còn lớn hơn. Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục mở rộng làm rõ, truy vết đến cùng.
Chia sẻ với phóng viên, Đại tá Thành Kiên Trung, Trưởng Công an quận Cầu Giấy, cho biết để triệt phá được đường dây này, ban chuyên án phải áp dụng rất nhiều biện pháp, như phát động phong trào quần chúng; biện pháp chuyên môn, kết hợp với tinh thần quyết tâm và trình độ nghiệp vụ của các cán bộ chiến sĩ.
Bên cạnh đó, Đại tá Trung nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo ban chuyên án, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP trong việc định hướng, chỉ đạo trong phá án, bóc gỡ đường dây này.
Đưa ra khuyến cáo, Trưởng Công an quận Cầu Giấy khẳng định các sàn giao dịch quốc tế về chứng khoán chưa được cấp phép tại Việt Nam. Do đó, mọi sàn giao dịch này hiện tại đều là bất hợp pháp.
Khi muốn đầu tư chứng khoán, Đại tá Trung đề nghị người dân chỉ đầu tư tại những công ty Việt Nam được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam quản lý.
Vị lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh rằng tiền ảo, tiền số hiện nay chưa được công nhận tại Việt Nam, các giao dịch về tiền điện tử là bất hợp pháp và không được pháp luật bảo vệ.
“Chúng ta có rất nhiều kỹ sư, học sinh, sinh viên công nghệ giỏi. Tôi mong những kỹ sư, sinh viên này khi có kiến thức về công nghệ thì hãy dùng để phục vụ, sử dụng vào những mục đích lành mạnh, sản xuất kinh doanh đem lại sự phát triển cho xã hội, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, sử dụng làm công cụ để lừa đảo và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”, Đại tá Thành Kiên Trung chia sẻ.
Với thành tích triệt phá băng nhóm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ cầm đầu, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có thư khen gửi tới ban chuyên án.
Đồng thời, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội cũng đã có các quyết định khen thưởng tới những cá nhân, tập thể lập thành tích xuất sắc.