Thứ bảy, Tháng Một 18, 2025

Vì sao tỷ giá vẫn là thách thức lớn trong năm 2025?

Dù có dấu hiệu hạ nhiệt từ đầu năm đến nay, nhưng tỷ giá USD/VNĐ vẫn là một trong những yếu tố khó lường của năm 2025. Những yếu tố quan trọng nào có thể tác động lên thị trường ngoại hối trong năm nay?

Sau khi tăng xấp xỉ 4.6% trong năm 2024, đánh dấu năm thứ 3 tăng liên tiếp, ngược với chuỗi 3 năm giảm liên tục trước đó, giá USD tại các ngân hàng có dấu hiệu đi xuống trong nửa đầu tháng 1 năm nay. Cụ thể, giá mua USD vào của Vietcombank giảm 0.2% so với cuối năm 2024, trong khi giá bán ra tăng nhẹ 0.05%, kéo chênh lệch mua bán tăng từ 300 đồng lên 360 đồng như hiện nay. Trên thị trường tự do, giá USD cũng giảm nhẹ 0.2% trong cùng khoảng thời gian.

Dù khởi đầu năm mới thuận lợi, tuy nhiên giới phân tích nhận định tỷ giá USD/VNĐ vẫn là một trong những thách thức lớn khó lường năm 2025. Dự báo của các tổ chức cho rằng thị trường ngoại hối trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực và tỷ giá sẽ tiếp tục hướng đến năm thứ 4 đi lên liên tục. Đơn cử như trong báo cáo phân tích mới đây, công ty chứng khoán MBS cho rằng, rủi ro tỷ giá vẫn là mối lo ngại lớn trong năm 2025. Hầu hết đều tin rằng đà tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế là yếu tố gây áp lực lớn nhất lên sự suy giảm của tiền đồng.

USD mạnh trở lại

Sau khi tạo đáy quanh vùng 100 điểm vào cuối tháng 9, chỉ số USD Index đã phục hồi từ đó đến nay, với mức tăng hơn 9% trong vòng 3 tháng rưỡi qua. Hiện chỉ số này đã vươn lên mốc 109 điểm, cao nhất kể từ năm 2022. Đồng USD sẽ còn tiếp tục mạnh lên trong năm 2025, khi các chỉ báo kỹ thuật cũng phát tín hiệu xu hướng tăng dài hạn đã được thiết lập trở lại.

Chỉ báo MACD trên biểu đồ tháng cho thấy chỉ số USD Index đã xác lập xu hướng tăng trở lại

Sự kiện ông Donald Trump tái đắc cử tổng được xem là động lực chính làm gia tăng sức mạnh đồng USD, với kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ mạnh mẽ hơn trong giai đoạn kế tiếp. Với định hướng nới lỏng chính sách tài khóa, khả năng áp đặt các hàng rào thuế quan mới và chính sách siết chặt nhập cư của chính quyền Trump 2.0, có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhưng đồng thời cũng có thể kéo theo lạm phát gia tăng trở lại.

Trong khi đó, với mục tiêu kéo việc làm trở lại Mỹ của ông Trump, thu hút các tập đoàn đa quốc gia mở cơ sở sản xuất tại Mỹ, dòng vốn đầu tư quốc tế đổ về Mỹ cũng sẽ làm tăng nhu cầu nắm giữ USD. Các số liệu báo cáo việc làm gần đây cho thấy thị trường lao động Mỹ đang rất nóng, khi nhiều việc làm mới đã được tạo ra vượt xa các dự báo trước đó.

Ngoài ra, với mức lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hiện đã lên tới 4.6%, cao hơn nhiều mức lãi suất ở các thị trường khác, càng khiến nhiều nhà đầu tư sẵn sàng thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư để đổ vào tài sản mang lại lợi tức lớn, đặc biệt khi đồng USD cũng được xem là một tài sản an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và nguy cơ xung đột quân sự tại nhiều khu vực như hiện nay.

Về hoạt động thương mại, một số thông tin mới đây cho biết nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang nghiên cứu phương án tăng thuế quan theo từng tháng, với mức tăng dự kiến sẽ dao động từ 2% đến 5% mỗi tháng, thay vì áp dụng mức tăng đột ngột như trước đây được đề xuất. Đề xuất này không chỉ nhằm tăng sức mạnh đàm phán mà còn tránh tạo cú sốc cho nền kinh tế vốn đang chịu sức ép từ lạm phát.

Thực tế chính vì lo ngại lạm phát cao quay trở lại dưới các định hướng chính sách của ông Trump, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần đây đã phải phát tín hiệu làm chậm lại lộ trình nới lỏng chính sách trong thời gian tới. Cụ thể, các quan chức Fed dự kiến sẽ chỉ có hai lần giảm lãi suất trong năm 2025, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng vững chắc và lạm phát vẫn chưa đạt mức mục tiêu với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 ở mức 2.7%. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi, với GDP quý 3 tăng 3.1% nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ.

Cung ngoại tệ năm 2025 có bị ảnh hưởng?

Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 786 tỷ USD, tăng 15.4% so với năm 2023, với cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư lớn năm thứ 2 liên tiếp là 24.77 tỷ USD. Ở hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước (FDI) giải ngân đạt 25.35 tỷ USD, tăng 9.4% so với năm trước; còn vốn đầu tư gián tiếp ghi nhận 4.54 tỷ USD.

Ngòai ra, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2024 ước đạt 16 tỷ USD. Như vậy, chỉ riêng 3 hoạt động này đã mang lại nguồn ngoại tệ lên đến gần 70.7 tỷ USD. Đó là còn chưa kể đến nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động du lịch, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 đạt gần 17.6 triệu lượt người, tăng 39.5% so với năm trước. Ở chiều ngược lại, cán cân thương mại dịch vụ năm 2024 nhập siêu 12.34 tỷ USD.

Chỉ riêng 3 hoạt động thương mại, đầu tư và kiều hối đã mang lại nguồn ngoại tệ lên đến gần 70.7 tỷ USD. Đó là còn chưa kể đến nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động du lịch, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024 đạt gần 17.6 triệu lượt người, tăng 39.5% so với năm trước. Ở chiều ngược lại, cán cân thương mại dịch vụ năm 2024 nhập siêu 12.34 tỷ USD.

Đã xuất hiện một số lo ngại thành tích này liệu có thể lặp lại trong năm 2025. Đầu tiên, ở hoạt động thương mại có thể chứng kiến mức thặng dư thu hẹp, trước rủi ro Việt Nam có thể bị áp thuế khi đang là một trong những quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ và liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Nếu đối mặt với các hàng rào thuế quan, hàng xuất khẩu vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.

Theo đó, Việt Nam có thể phải tìm cách tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để tránh bị đánh thuế. Thực tế thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp Việt đã nghiên cứu khả năng nhập thêm các sản phẩm của Mỹ. Và như giới phân tích đã chỉ ra, dù trong trường hợp nào con số xuất siêu của hàng Việt Nam sang Mỹ có thể không còn tăng trưởng mạnh mẽ như những năm vừa qua. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với hàng nhập khẩu từ Trung đổ sang nếu Trung Quốc tiếp tục bị Hoa Kỳ tăng thuế.

Trong khi đó, rủi ro bị áp thuế thương mại cũng có thể ảnh hưởng lên hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn tới. Trong 6 năm qua, Việt Nam đã phần nào hưởng lợi khi các tập đoàn đa quốc gia tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng, dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để hạn chế rủi ro từ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Số liệu mới đây cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2024 giảm 3% so với năm trước là tín hiệu cần chú ý.

Cuối cùng, với dự trữ ngoại hối đã suy giảm đáng kể thời gian qua khiến dư địa để can thiệp hỗ trợ tỷ giá không còn lớn như trước. Số liệu được một số tổ chức công bố gần đây cho thấy trong năm 2024 Việt Nam đã bán ra khoảng 9.4 tỷ USD, theo đó dự trữ ngoại hối chỉ còn 80 tỷ USD, chỉ tương đương 10 tuần nhập khẩu, thấp hơn mức được ghi nhận là 13,2 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2023. Theo đánh giá của IMF, dự trữ ngoại hối có quy mô tương đương 12 đến 14 tuần nhập khẩu thì quốc gia đó sẽ được coi là đủ dự trữ ngoại hối

Phan Thụy

Nguồn: https://fili.vn/2025/01/vi-sao-ty-gia-van-la-thach-thuc-lon-trong-nam-2025-757-1262295.htm

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT