Trong năm 2021, cổ phiếu ngành chứng khoán thường nằm trong danh mục được ưu tiên nắm giữ, và thậm chí còn là nhóm ngành mang lại không ít lợi nhuận cho nhiều nhà đầu tư.
Thăng hoa doanh thu và lợi nhuận
Năm 2021 theo đà tăng trưởng của chỉ số VN-Index hơn 35% so với năm 2020 và thanh khoản thị trường cũng bùng nổ mạnh, hầu hết các công ty chứng khoán đều đã gặt hái được thành công vượt kỳ vọng về cả doanh thu và lợi nhuận.
Theo thống kê, 10 công ty chứng khoán đứng đầu về thị phần môi giới đã đạt những mức lãi kỷ lục trong năm 2021, trong khi nhiều công ty chứng khoán nhỏ cũng đạt mức lợi nhuận gấp nhiều lần.
Những công ty chứng khoán lập các kỷ lục mới về doanh thu và lợi nhuận như VPS, SSI, VND, TBS. Còn nhóm công ty chứng khoán nhỏ hơn, FPTS là một trong những doanh nghiệp chứng khoán niêm yết đạt tỉ suất lợi nhuận rất cao; hay công ty chứng khoán KIS, với mức tăng doanh thu lên đến 240%.
Tuy nhiên, dẫn đầu về lợi nhuận lại không phải là SSI hay VPS vốn đã vươn lên ngôi vị số 1 về thị phần môi giới, mà lại là TBS với khoản lãi trước thuế hơn 3.800 tỉ đồng nhờ vào hoạt động tự doanh. Tuy nhiên, những công ty chứng khoán có mức lợi nhuận ngàn tỉ đồng cũng không ít, như SSI, VND, SHS, HCM, VCI…
Nhờ đó, nhóm chứng khoán là một trong những ngành đạt được mức cao về lợi nhuận sau thuế của một cổ phiếu (EPS). Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư đã có được lợi nhuận tốt khi nắm giữ các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành này nhờ mức tăng giá khá mạnh.
Kỳ vọng trong năm 2022 ra sao?
Trong tháng 12.2021, nhóm ngành chứng khoán bắt đầu bước vào đợt giảm giá kéo dài cho tới tháng 1.2022. Mức giảm trong 2 tháng liên tục đã lấy đi của nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này hơn 20% giá.
| Xem thêm : Sau Tết Nguyên đán, giá xăng dầu trong nước có thể tăng mạnh
Một số phân tích cho rằng, nhóm ngành chứng khoán giảm giá là trả lại phần nào khoảng giá đã tăng mạnh trước đó.
Tuy nhiên trên thực tế, nhóm ngành chứng khoán mất giá còn do một số tin đồn xảy ra trong tháng 1.2022 khi có thông tin nhiễu loạn cho rằng, vì dòng tiền vào chứng khoán sẽ được kiểm soát trong năm 2022 vì vậy tạm thời một số công ty chứng khoán đang có kế hoạch tiếp tục tăng vốn phải tạm dừng.
Theo chuyên viên tư vấn đầu tư Hoàng Anh Tuấn của Công ty chứng khoán MB, thông tin trên đã bị hiểu sai, hoặc truyền tải không đầy đủ.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – cho rằng, sự giảm giá mạnh của nhóm ngành chứng khoán thời gian qua còn do yếu tố kỳ vọng vào tăng trưởng năm 2022 sẽ khó được như năm 2021. Vì năm vừa qua, ngành này đã tạo nền tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá cao.
Mặt khác, việc các công ty chứng khoán tăng vốn mạnh cũng sẽ gây ảnh hưởng vì sự pha loãng về EPS. Cùng với đó, trong tháng 12.2021 và tháng 1.2022, nhiều công ty chứng khoán có mảng tự doanh ít nhiều bị ảnh hưởng về lợi nhuận khi thị trường biến động khó lường, thậm chí còn bị lỗ.
Chính vì thế, việc nắm giữ các mã cổ phiếu ngành chứng khoán cần được cân nhắc kỹ về danh mục, tỉ trọng, mức giá mua vào cũng như mức lợi nhuận kỳ vọng để chốt lời nhằm tránh đánh mất thành quả lợi nhuận trong các nhịp thị trường điều chỉnh.