Mùa công bố báo cáo tài chính năm 2021 đang hé lộ những cái tên phải đối mặt với nguy cơ rời sàn.
Từ HAG, FTM đến VNS
Cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai là cái tên thu hút nhiều sự chú ý của giới đầu tư trong thời gian gần đây.
Thông tin HAG sẽ bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp 2017, 2018 và 2019 sau khi doanh nghiệp hồi tố báo cáo tài chính khiến một nhóm cổ đông của Công ty đứng ngồi không yên, phải gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng.
Theo nhóm nhà đầu tư này, năm 2021, HAG đã có dấu hiệu “hồi sinh” khi doanh thu thuần đạt 2.108 tỷ đồng và lãi ròng 126,5 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán).
Hoàng Anh Gia Lai cũng có đơn giải trình về vấn đề hồi tố báo cáo tài chính và xin có thời gian thử thách trước khi quyết định hủy niêm yết. Tuy vậy, nhiều người cho rằng, có đủ cơ sở để hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu HAG và việc này là cần thiết nhằm tránh tạo ra tiền lệ không tốt.
Ngoài HAG, cổ phiếu RIC của Công ty cổ phần Hoàng Gia cũng có khả năng bị hủy niêm yết nếu lợi nhuận sau thuế năm 2021 tại báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp là số âm. Trước đó, RIC công bố kết quả kinh doanh năm 2021 (tự lập) với lợi nhuận sau thuế âm 96,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 âm 406,3 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, RIC đã lỗ ròng 3 năm liên tiếp, năm 2019 lỗ 72,79 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 81,54 tỷ đồng.
Dù kinh doanh thua lỗ kéo dài nhưng 2021 là năm nhiều cảm xúc với cổ đông RIC khi cổ phiếu bật tăng mạnh mẽ. Từ mức giá 5.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, RIC bất ngờ bật tăng mạnh và đạt đỉnh 46.150 đồng/cổ phiếu vào phiên 4/3/2021. Đến nay, RIC đang giao dịch quanh vùng giá 17.000 – 19.000 đồng/cổ phiếu.
Mã FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân
(Fortex) cũng đang phải đối mặt với “bản án” hủy niêm yết đang treo lơ lửng, do vừa ghi nhận mức lỗ kỷ lục trong quý IV/2021 là 92 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 12 liên tiếp chìm trong thua lỗ.
Lũy kế năm 2021, doanh thu của Fortex đạt gần 232 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với thực hiện trong năm 2020. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí khác như chi phí khấu hao, chi phí nhân công, chi phí điện do chưa đạt sản lượng sản xuất tối ưu… khiến FTM lỗ sau thuế hơn 223 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm ngày 31/12/2021 âm xấp xỉ 420 tỷ đồng.
Căn cứ trên kết quả này, cộng thêm việc trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và 2020, Fortex đã báo lỗ sau thuế lần lượt là 93,75 tỷ đồng và hơn 200 tỷ đồng, HOSE đã có thông báo lưu ý về việc cổ phiếu FTM có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty là số âm.
Doanh nghiệp taxi Vinasun (mã VNS) cũng đứng trước nguy cơ phải rời sàn khi có thêm một năm thua lỗ, với mức lỗ sau thuế năm 2021 trên báo cáo tài chính quý IV/2021 là gần 274 tỷ đồng.
Trước đó, HOSE đã ban hành quyết định đưa cổ phiếu VNS vào diện cảnh báo từ ngày 5/4/2021 do Công ty có lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ năm 2020 là âm. Nếu tình hình kinh doanh năm 2022 không được cải thiện, VNS buộc phải chấp nhận hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE.
Cần đẩy mạnh sàng lọc hàng hóa để bảo vệ nhà đầu tư
Theo nhà đầu tư P.Phong, hủy niêm yết bắt buộc những cổ phiếu yếu kém là cách bảo vệ tốt nhất dành cho nhà đầu tư. Nếu sau 3 năm mà doanh nghiệp vẫn không thoát lỗ thì việc ở lại trên sàn, xếp ngang hàng với những cổ phiếu chất lượng khác mới là rủi ro trên thị trường.
“Doanh nghiệp nào cũng lấy lý do này, lý do khác để biện minh, trốn tránh hình phạt thì pháp luật không nghiêm minh. Nhà quản lý đã mất bao nhiêu năm nghiên cứu, xây dựng pháp luật thì cứ theo luật mà làm”, anh Phong nêu quan điểm.
Tại Việt Nam, HOSE được coi là sàn chứng khoán có tiêu chuẩn niêm yết cao nhất, khắt khe nhất. Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE, các doanh nghiệp sẽ được chuyển sang giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM để duy trì thanh khoản cổ phiếu.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), việc cơ quan quản lý đề ra tiêu chuẩn niêm yết là để đảm bảo chất lượng doanh nghiệp cũng như bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư tham gia thị trường. Nếu các cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển về UPCoM mà vẫn không cải thiện được tình trạng thua lỗ thì cần thẳng tay loại bỏ những cổ phiếu này, để thúc đẩy Ban lãnh đạo doanh nghiệp duy trì tốt bộ máy hoạt động.
“Trước khi chuyển về UPCoM, ba năm thử thách không phải ngắn mà vừa đủ để đánh giá doanh nghiệp, cho dù doanh nghiệp có đổi mới chiến lược kinh doanh hay sản phẩm. Bởi thực tế, có những doanh nghiệp đã tồn tại vấn đề từ trước”, ông Hải cho biết.
Chẳng hạn, với trường hợp Hoàng Anh Gia Lai, theo quan sát của ông Hải, doanh nghiệp đã vay nợ rất nhiều. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng từng cho nhà đầu tư thấy những triển vọng sáng trong tương lai từ nhiều năm trước, nhưng thành quả vẫn còn rất hạn chế.
Với trường hợp Vinasun, Công ty cho biết, những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt là dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng (chiếm 20 – 25% giá vốn kinh doanh), nên biên lợi nhuận giảm, đặc biệt là sự cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ hiện nay.
Tuy nhiên, những vấn đề này đã tồn tại trong nhiều năm và quy mô hoạt động của Vinasun ngày càng thu hẹp, với số lượng nhân sự và
tài sản cố định sụt giảm, kéo theo sự sụt giảm về cả doanh thu và lợi nhuận. Đơn cử, năm 2020 và 2021, Vinasun phải cắt giảm nhân sự lần lượt là 1.392 nhân viên và 2.521 nhân viên, đến nay, chỉ còn 1.877 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp.
Khi hủy niêm yết, người thiệt hại nhiều vẫn là các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ. Bởi trước khi bị hủy niêm yết, giá cổ phiếu thường rơi vào tình trạng lao dốc, khiến thanh khoản khó khăn.
Trách nhiệm sở giao dịch là sàng lọc kịp thời doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường chứng khoán.