Bên cạnh đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT với mặt hàng xăng dầu.
Ngày 30/6, đại diện Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã trình Thủ tướng phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng xăng dầu. Đây là đề xuất tiếp theo của cơ quan quản lý tài khóa sau đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường nhằm kìm đà tăng của giá xăng dầu trong nước.
Tuy mức giảm cụ thể với 2 sắc thuế này chưa được đưa ra, nhưng việc tiếp tục đề xuất giảm thêm các sắc thuế liên quan xăng dầu cho thấy Bộ Tài chính đang có hành động mạnh mẽ trong việc kiềm chế đà tăng của mặt hàng thiết yếu này.
Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ trình phương án giảm thuế này lên các thành viên của Chính phủ.
Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang gánh 4 loại thuế chính, gồm thuế nhập khẩu (10%); thuế tiêu thụ đặc biệt (8-10% với xăng); thuế bảo vệ môi trường (2.000 đồng/lít với xăng, 1.000 đồng/lít với dầu) và thuế VAT (10%).
Bên cạnh đó, giá bán lẻ mặt hàng này còn có lợi nhuận định mức 300 đồng/lít và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng/lít xăng, 600-950 đồng/lít dầu.
Như vậy, đề xuất mới của Bộ Tài chính nếu được thông qua, đồng nghĩa với việc 3/4 sắc thuế chính đang đánh vào xăng dầu sẽ được điều chỉnh giảm.
Trước đó, tại dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thêm 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu nhằm ổn định giá trong nước trước biến động của thế giới.
Trong đó, các mặt hàng đều được đề xuất giảm kịch khung thuế về mức sàn, bao gồm giảm 1.000 đồng/lít với xăng, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm 500 đồng/lít, từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít…
Các đề xuất của Bộ Tài chính được đưa ra trong bối cảnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang có xu hướng tăng mạnh, bất chấp việc thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này đã được điều chỉnh giảm 50% kể từ ngày 1/4.
Trong kỳ điều hành giá gần nhất (21/6), giá xăng E5 RON 92 tiếp tục tăng 185 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít. Sau tăng, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 31.302 đồng/lít và xăng RON 95 là 32.873 đồng/lít. Đây là đợt tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 13 của mặt hàng này trong hơn nửa đầu năm 2022.
Đáng chú ý, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành vừa qua cũng được điều chỉnh mức tăng mạnh. Trong đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel 30.010 đồng/lít, dầu hỏa là 28.780 đồng/kg.
Ngày 1/7 tới, Liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ có đợt điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 28/6 có xu hướng giảm nhẹ so với kỳ trước.
Lãnh đạo một đầu mối doanh nghiệp ở TP.HCM cho biết sau kỳ điều hành ngày 21/6, giá dầu thô thế giới giảm vì những lo ngại về rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên gần đây giá lại bật tăng trở lại. Do đó, nếu không tác động đến quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng có thể giảm nhẹ khoảng 150-300 đồng/lít và dầu diesel giảm khoảng 200-260 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý tăng trích lập hoặc giảm chi quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá mặt hàng này sẽ giảm ít hơn.
Nguồn: Zing