Từ 0 giờ ngày 11-7, liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giảm mạnh giá xăng dầu trong nước sau nhiều lần tăng giá mạnh. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ thiết thực người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, ổn định đời sống sau dịch bệnh.

Chặn đà tăng giá hàng hóa

Chị Ma Thị Mỹ Hương, chủ hộ kinh doanh bánh mì pate – hương vị Pleiku trên đường Phạm Viết Chánh (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết rất mừng khi giá xăng dầu giảm mạnh. “Hy vọng giá xăng dầu giảm sẽ chặn được đà tăng giá của hàng hóa đầu vào. Bởi, ngay đầu tháng 7, cửa hàng nhập dầu ăn, giấy, bao bì đã thấy giá tăng nhẹ so với tháng 6. Còn tính chung từ đầu năm 2022 đến nay, hầu hết chi phí đầu vào đều tăng. Mới đây, các “app” gọi đồ ăn cũng tăng chiết khấu từ 20% lên 23% nhưng tôi chấp nhận giảm lời để giữ khách chứ chưa dám tăng giá bánh mì. Vì tăng rồi bán ế còn bị thiệt hơn” – chị Hương bày tỏ.

Anh Nguyễn Thanh Sơn (quận Bình Thạnh, TP HCM) chuyên bán trái cây online, cũng phấn khởi khi nghe giá xăng dầu giảm tới 2.000-3.000 đồng/lít từ ngày 11-7. Anh kỳ vọng giá ship (vận chuyển) cũng sớm giảm theo giá xăng để việc buôn bán của anh được thuận lợi hơn. “Kinh doanh online, mong nhất là phí ship càng rẻ càng tốt. Trong khi gần đây, các đơn vị vận chuyển liên tục tăng giá tùy theo khung giờ, có lúc giá tăng tới 30%-40% khiến khách hàng đắn đo khi đặt hàng. Cửa hàng cũng cố gắng hỗ trợ phí ship cho khách nhưng tăng quá thì cũng không bù nổi” – anh Sơn bộc bạch.

Còn theo ông Chu Hữu Thanh, chạy xe công nghệ ở TP HCM, giá xăng giảm 3.000 đồng/lít thì mỗi ngày ông tiết kiệm được khoảng 30.000 đồng, tuy không nhiều nhưng nó giúp ông có thêm động lực chạy tiếp. “Còn giá xăng như hiện nay vẫn còn cao lắm. Chỉ khi nào xăng giảm còn khoảng 25.000 đồng/lít mới thật sự có ý nghĩa đối với cánh tài xế chúng tôi” – ông Thanh tính toán.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Phong, Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TP HCM), nhìn nhận việc xăng dầu giảm giá mạnh không chỉ tốt cho hoạt động kinh doanh tại chợ mà cho cả ngành nông nghiệp. “Các phương tiện vận tải hàng nông sản hầu hết đều chạy bằng dầu diesel, với mức giảm giá hơn 3.000 đồng/lít sẽ giúp chi phí vận chuyển giảm đáng kể, kéo giá hàng hóa giảm theo, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng và cả người làm nông nghiệp. Thường sau mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu thì giá cước không tăng, giảm ngay mà có độ trễ vài ngày. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình trong thời gian tới để có những điều chỉnh cụ thể” – ông Phong nói.

Bớt gánh nặng xăng dầu - Ảnh 1.

Nhiều khách hàng vui mừng vì giá xăng dầu giảm 2.000-3.000 đồng/lít trong kỳ điều hành 11-7. Ảnh: TẤN THẠNH

Kỳ vọng sẽ giảm thêm

Giá xăng dầu giảm nhưng những người buôn bán nhỏ vẫn chưa thể yên tâm vì nhiều chi phí đầu vào khác đều tăng cao. Bà Ngô Thị Nguyệt, tiểu thương chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP HCM, cho biết: “Cứ mỗi lần giá xăng dầu tăng là bên chở hàng từ chợ đầu mối về chợ lẻ yêu cầu tăng giá vận chuyển, buộc tiểu thương phải cộng chi phí vận chuyển vào giá bán hàng. Nay giá xăng dầu có giảm khá mạnh nhưng nhà xe lại nói mức giảm như vậy chưa đủ bù chi phí nên chưa chịu giảm cước vận chuyển. Kỳ kèo lắm họ mới giảm được đôi chút, mỗi chuyến hàng giảm vài chục ngàn, không đủ để hạ giá hàng hóa ngay được”.

Còn ông Lý Quý Bình, chủ tiệm phở ở quận 3, TP HCM, nói thẳng hàng hóa đã tăng rồi thì rất khó giảm, vì một tô phở không chỉ có chi phí xăng dầu mà còn bao gồm đủ loại chi phí khác như nguyên vật liệu, điện, nước, gas… “Thời gian qua, nhiều quán ăn đã tăng giá bán theo giá cả nguyên liệu đầu vào, kể cả giá gas cũng đang ở mức rất cao. Khách hàng cũng đã quen dần với mức giá mới. Hy vọng với việc giá xăng dầu giảm mạnh lần này sẽ kìm được đà tăng giá nguyên liệu đầu vào chứ cũng không mong giá các mặt hàng sẽ giảm mạnh” – ông Bình nói.

Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia, nhiều người ví giá xăng dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít, về dưới 30.000 đồng/lít trong kỳ điều hành giá ngày 11-7 như một “trận mưa rào”, góp phần làm dịu bớt sức nóng tăng giá trên thị trường, là tin vui đối với người dân, DN. Bởi, giá xăng dầu tăng gây tác động dây chuyền, kéo tất cả giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng theo. Diễn biến tăng giá liên tục trong 2-3 tháng gần đây không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân, chi tiêu của từng hộ gia đình mà gây xáo trộn cả nền kinh tế. Nhiều công trình, dự án bị đội vốn, đình trệ tiến độ.

Ông Chung Thành Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kế toán Đồng Hưng, cho biết là người kinh doanh, bản thân ông rất vui vì cuối cùng giá nhiên liệu cũng có đợt giảm mạnh. “Giá xăng dầu tác động trực tiếp đến túi tiền của người dân. Trong 2 năm dịch bệnh, thu nhập của đại đa số người dân đã bị ảnh hưởng, thêm áp lực giá xăng và giá tất cả hàng hóa, dịch vụ… tăng cao trong thời gian qua, càng khiến việc tính toán chi tiêu của nhiều gia đình trở nên căng thẳng hơn” – ông Tiến nêu thực tế và kỳ vọng giá xăng dầu có thể giảm thêm trên cơ sở giảm thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt như phương án đề xuất của Bộ Tài chính.

Theo ông Tiến, việc giảm thuế trước mắt sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và cân đối tài chính công nhưng đó là việc cần làm để kéo chi phí xuống, từ đó tạo đà cho kinh tế phục hồi và phát triển. “Giai đoạn này nên cắt giảm tối đa các loại thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu để bảo vệ túi tiền người dân, hạn chế những tác động xấu đến xã hội, làm hạ nhiệt áp lực lạm phát… Thay vì hỗ trợ công nhân tiền thuê nhà hay hỗ trợ bù lãi suất 2% cho DN… nhiều người dân, DN không thể thấy và thụ hưởng ngay được nhưng giảm giá xăng dầu sẽ tạo phản ứng tức thì” – ông Tiến phân tích.

Đứng ở góc độ chuyên môn, ông Tiến cho rằng khoản thất thu thuế từ xăng dầu (nếu được giảm thêm) có thể cân đối, bù đắp bằng nguồn thu thuế của các địa phương thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và chống thất thu thuế. Về lâu dài, khi kinh tế đi lên, nhà nước phục hồi các khoản thu thuế đối với xăng dầu và sẽ nhanh chóng có thêm nhiều khoản thu thuế khác.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng đang có tình trạng thuế chồng thuế trong cấu thành giá xăng dầu hiện nay. Với tỉ lệ khoảng 40% thuế trong tổng giá thành xăng dầu, còn rất nhiều dư địa để tiến hành cắt giảm, thậm chí là ngừng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT trong ngắn hạn để ổn định và kéo giảm giá xăng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. “Malaysia đã mạnh tay cắt giảm thuế để trợ giá xăng dầu, đây là bài học cho Việt Nam. Đây là việc nên làm, cần làm ngay, không nhất thiết phải đợi đến kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới mà trước mắt, Thường vụ Quốc hội cũng có thể giải quyết được” – ông Hưng đề xuất.

Nguyễn Hải – Thanh Nhân – Ngọc Ánh