Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8-10% trong năm 2025 đặt ra một thách thức lớn với chính sách tiền tệ, do phải bơm một lượng tiền đủ lớn ra nền kinh tế . Nhưng nếu bơm tiền ồ ạt, sẽ gây áp lực lên tỷ giá, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô và chỉ số lạm phát.
Bối cảnh mới, áp lực cũ
Mặt bằng lãi suất cho vay tại thời điểm cuối năm 2024 thấp hơn 1,24% so với cuối năm 2023. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.
Trong bối cảnh Chính phủ đặt kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 16%, dựa trên nguyên tắc “trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng giúp tăng trưởng GDP thêm 1%”. Như vậy, nếu tăng trưởng GDP khoảng 10%, thì tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 18-20%.
![]() Mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2012-2024. Nguồn: Wichart
|
Định hướng chính sách tiền tệ cho mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho rằng, phải kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Tiếp theo, cần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế.
“Với mục tiêu này, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp với chính sách tài khoá, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại”, ông Tú nói tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2025.
Thực tế, định hướng điều hành chính sách tiền tệ “linh hoạt, chặt chẽ và phù hợp với chính sách tài khóa, cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác” đã được NHNN duy trì nhiều năm, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động từ bối cảnh kinh tế thế giới và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nhưng khác các năm trước, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ năm 2025 dự kiến khó khăn hơn, với yêu cầu vừa đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vừa ổn định được vĩ mô trong nước, trong bối cảnh khi thị trường tài chính toàn cầu liên tục biến động theo diễn biến của thương chiến thời Trump 2.0.
Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học kinh tế TPHCM đánh giá, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8-10% trong năm 2025 của Chính phủ sẽ đặt ra một thách thức lớn với chính sách tiền tệ, do phải bơm một lượng tiền đủ lớn ra nền kinh tế mới đạt được mục tiêu. Nhưng nếu bơm tiền ồ ạt, sẽ gây áp lực lên tỷ giá, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô và chỉ số lạm phát, bởi không có quá nhiều dư địa để thực hiện nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, chính sách thuế quan nhằm bảo hộ và thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước của Tổng thống Donald Trump sẽ gia tăng sức mạnh cho đồng đô la Mỹ, nên dòng vốn đầu tư sẽ duy trì xu hướng chảy về Mỹ. Còn giá cả hàng hóa tại Mỹ dự kiến cũng tăng cao trong ngắn hạn vì chính sách này, khiến lạm phát quay lại. Do đó, Fed sẽ không giảm lãi suất quá nhiều.
Thực tế, tỷ giá VND/USD cũng liên tục gia tăng ngay từ đầu tháng 1-2025, khác với những năm trước khi đây là giai đoạn tỷ giá hạ nhiệt. Ngoài ra, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nhấn mạnh thông điệp “không cần vội điều chỉnh chính sách” khi lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ ngày 11-2.
“Trừ khi tổng thống Trump có các áp lực lên Fed nhằm thúc đẩy việc giảm lãi suất như đã tuyên bố vài ngày gần đây. Nhưng điều này sẽ khá khó khăn, vì chính sách tiền tệ của Fed là tương đối độc lập so với Chính phủ”, ông Huân nêu thực tế.
Bổ sung, ông Lê Hoài Ân, cố vấn Ban nghiên cứu, Công ty dữ liệu Wigroup cho biết, một vấn đề lớn với hệ thống ngân hàng là để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế trong bối cảnh tiền gửi có thể chưa tăng trưởng tương ứng. Trước đó, các ngân hàng thương mại phải gia tăng huy động vốn thông qua phát hành giấy tờ có giá để đảm bảo thanh khoản trong năm 2024, nhưng điều này dẫn đến chi phí vốn tăng cao, làm giảm biên lợi nhuận của ngân hàng.
“Lãi suất huy động cuối năm 2024 đã bắt đầu nhích tăng khi các ngân hàng cạnh tranh thu hút dòng tiền nhàn rỗi. Xu hướng này dự kiến tiếp tục trong năm 2025 khi nhu cầu tín dụng gia tăng”, ông Ân nói.
Một thách thức khác NHNN phải đối mặt là vừa kiểm soát lạm phát, vừa duy trì ổn định tỷ giá trong giai đoạn Trung Quốc áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, dẫn tới cạnh tranh xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc gay gắt hơn.
“Điều này đòi hỏi Việt Nam phải giữ được sự ổn định của tỷ giá để bảo vệ lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, đồng thời duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn với dòng vốn quốc tế”, ông Ân lưu ý.
Chính sách tiền tệ cần phát huy tính linh hoạt
Xác định chính sách tiền tệ sẽ giữa vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, ông Lê Hoài Ân khuyến nghị NHNN tập trung phân bổ vốn cho các ngành kinh tế then chốt, được hưởng lợi từ biến động địa – chính trị thế giới, cũng như định hướng phát triển mới của các quốc gia lớn. Điều này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh ở cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, trước làn sóng hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có thể gia tăng.
Chẳng hạn, lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang đòi hỏi nguồn vốn lớn để thúc đẩy cạnh tranh toàn cầu, trong khi lĩnh vực dịch vụ cũng cần nguồn tài chính ổn định để phát triển các mô hình kinh doanh mới.
“Việc định hướng nguồn tín dụng vào các lĩnh vực chiến lược sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Theo đó, NVIDIA công bố chọn Việt Nam thành một khu vực trọng điểm sản xuất có thể tạo một hiệu ứng tích cực lên các ngành công nghệ trong thập niên tới”, ông Ân dẫn chứng.
![]() Mức chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đã ngày càng mở rộng. Ảnh: T.L |
Về lãi suất, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng Chính phủ, NHNN cần chờ đợi thời điểm tốt để giảm lãi suất, tránh tác động đến hai yếu tố ổn định vĩ mô là tỷ giá và lạm phát. Bên cạnh đó, cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn và dựa nhiều hơn vào các công cụ thị trường như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cửa sổ chiết khấu và nghiệp vụ thị trường mở, nhằm tăng tính hiệu quả và giảm độ trễ cho chính sách tiền tệ.
“Cần thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, chờ thời cơ chín muồi khi thặng dư cán cân thương mại cao, chính sách tiền tệ của Mỹ nới lỏng mạnh hơn. Đó mới là thời điểm thích hợp để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ”, ông Huân lưu ý.
Bên cạnh những yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng NHNN cần giám sát chặt chẽ các khoản vay rủi ro cao, tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, nhằm tránh tình trạng nợ xấu gia tăng và dòng tiền chảy vào các kênh đầu cơ như bất động sản và chứng khoán
Vân Phong
Link nguồn: Cân bằng giữa tỷ giá, lãi suất và tăng trưởng kinh tế năm 2025 ra sao? | Vietstock