Tài sản mã hóa là một loại tài sản kỹ thuật số được tạo ra và hoạt động dựa trên kỹ thuật mật mã, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ tương tự. Ảnh: Tư liệu minh họa. |
Lợi nhuận từ tiền mã hóa của Việt Nam nằm trong “top 3” thế giới
Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo khoa học Quản lý nhà nước về tài sản mã hóa do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức sáng 29/8, tại Hà Nội.
Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về việc sử dụng tiền mã hóa. Tỷ lệ chấp nhận các loại tiền kỹ thuật số trong dân số vẫn nằm ở mức cao nhất trên thế giới.
Theo Hãng nghiên cứu thị trưởng Statista, phần lớn các nhà đầu tư Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ tuổi, đều nhận thức và bày tỏ thái độ tích cực đối với tiền mã hóa như một loại hình đầu tư.
Còn theo báo cáo của Hãng phân tích Blockchain Chainalysis, trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7/2023, lượng tài sản mã hóa chảy vào Việt Nam đã đạt mức 120 tỷ USD.
Khoảng 60% trong số này hiện được giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung. Ước tính lợi nhuận từ tiền mã hóa theo quốc gia của Việt Nam trong năm 2023 xếp thứ 3, đạt mức 1,18 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ là khoảng 9,36 tỷ USD và Anh là 1,39 tỷ USD.
Ước tính lợi nhuận từ tiền mã hóa theo quốc gia năm 2023. Nguồn: Chainalysis. |
Số liệu khác được tổng hợp từ Triple A7 – một công ty thanh toán tiền mã hóa được Cơ quan Tiền tệ Singapore cấp phép, cho thấy trong năm 2023, 21,2% dân số Việt Nam sở hữu tài sản tiền mã hóa. Xét về số lượng tuyệt đối, Việt Nam xếp hạng thứ 5 trên toàn cầu về số người sở hữu tài sản tiền mã hóa.
Theo kết quả từ khảo sát vào tháng 12/2023, do nhà cung cấp dữ liệu tiền mã hóa Coin98 Insights thực hiện cho thấy, 47% chủ sở hữu tiền mã hóa tại Việt Nam thuộc nhóm tuổi từ 26-36 và 38% thuộc nhóm tuổi từ 18-25. Như vậy, phần lớn chủ sở hữu tài sản mã hóa tại Việt Nam là những người trẻ.
Việc xuất hiện tài sản mã hóa là hiện tượng tất yếu khách quan của xã hội, đã xảy ra và không thể đảo ngược, nên việc pháp luật không công nhận tài sản mã hóa có thể dẫn đến hệ quả không điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến loại tài sản mới này. |
Những thống kê nói trên cho thấy, tỷ lệ người dân sở hữu và giá trị tài sản mã hóa tại Việt Nam đang ở mức rất cao, nhưng có một thực tế là vẫn chưa có các quy định pháp lý cụ thể liên quan đến lĩnh vực này.
Theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán, trong khi Bộ Tư pháp không coi tiền mã hóa là một loại tài sản. Tương tự, Bộ Công thương cũng không xem tiền mã hóa là một loại hàng hóa hay dịch vụ. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng chưa đề cập cụ thể đến tài sản ảo và tài sản điện tử.
Việc thiếu các quy định pháp lý liên quan đến tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) đã tạo ra khoảng trống pháp lý đối với tài sản mã hóa tại Việt Nam.
Hội thảo khoa học quản lý nhà nước về tài sản mã hóa do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức sáng 29/8. Ảnh: Đông Mai. |
Tài sản mã hóa cần có điều kiện lưu thông đặc biệt
Với những nhận định trên, TS. Cấn Văn Lực và các cộng sự của mình trong nhóm nghiên cứu kiến nghị rằng, thay vì áp dụng lệnh cấm, cách tiếp cận đối với tài sản mã hóa hợp lý hơn cả là đưa ra các giải pháp quản lý và điều tiết thị trường này.
Việt Nam nên dần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tài sản mã hóa, kết hợp với việc áp dụng các biện pháp để đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi liên quan đến các giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa.
Vì tính ẩn danh, nên rất khó kiểm soát tài sản mã hóa trong các giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại hay các hoạt động phạm tội. Do đó, pháp luật cần quy định những điều kiện lưu thông đặc biệt cho tài sản mã hóa, như: đăng ký quyền sở hữu tài khoản giao dịch, đăng ký giao dịch, lưu trữ các thông tin về lịch sử giao dịch liên quan tài sản mã hóa… Đồng thời, nếu cần thiết, có thể xem xét hình sự hóa các hành vi vi phạm pháp luật về tài sản mã hóa để bảo đảm tính nghiêm minh. |
Bên cạnh đó, cần đưa ra được các định nghĩa, phân loại cụ thể tài sản ảo, tài sản mã hóa; đồng thời cần xác định rõ những loại tài sản nào được phép giao dịch chính thống và được pháp luật bảo vệ, chỉ rõ các loại tài sản không được phép giao dịch.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc quản lý tài sản mã hóa, thông qua sự kết hợp giữa Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các tổ chức quốc tế. Cần chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến khung pháp lý, chia sẻ thông tin về tiền kỹ thuật số và hợp tác trong việc phòng chống rửa tiền và trốn thuế.
Đồng tình với đề nghị cần xem xét công nhận tài sản mã hóa là một loại tài sản được quy định bởi pháp luật Việt Nam, ThS. Nguyễn Thị Hải Bình – Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia hiến kế thêm, tài sản mã hóa cần có điều kiện lưu thông đặc biệt sau khi được công nhận là tài sản.
Cùng với đó phải không công nhận tài sản mã hóa là phương tiện thanh toán và tăng cường các biện pháp kiểm soát dòng vốn đầu tư vào tài sản mã hóa cũng như quản lý rủi ro dòng vốn chảy ra nước ngoài./.