Khi tham gia các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến, nhà đầu tư hoàn toàn tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình và không được pháp luật bảo vệ.
Thời gian vừa qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm đầu tư chứng khoán trực tuyến, liên tục gọi điện, nhắn tin mời gọi nhà đầu tư tham gia với mức lợi nhuận hấp dẫn. Các kênh đầu tư này chủ yếu hoạt động trực tuyến, không có trụ sở rõ ràng và thường có nhân viên gọi điện tư vấn rất nhiệt tình để chiếm lòng tin của các nhà đầu tư.
Những lời mời gọi như “bên em có thông tin mã chứng khoán lợi nhuận cao muốn gửi anh/chị tham khảo” không còn quá xa lạ với nhiều người, bởi hàng ngày có thể nhận được nhiều cuộc gọi tư vấn như vậy từ các số điện thoại lạ.
Anh Nguyễn Hữu Tiến (trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thường xuyên nhận được các cuộc gọi tư vấn đầu tư chứng khoán trực tuyến, các nhân viên tư vấn còn gửi thông tin các mã chứng khoán quốc tế vào zalo, hướng dẫn cụ thể cách tạo tài khoản, đăng nhập để đầu tư. “Không ít sàn chứng khoán quốc tế còn hào phóng mở tài khoản có sẵn số dư để nhà đầu tư chơi thử”- anh Tiến nói.
Cơ quan chức năng cảnh báo thủ đoạn mời gọi đầu tư chứng khoán trái phép – Ảnh: Hoàng Triều
Theo chia sẻ của anh Tiến, bằng việc tạo tài khoản giao dịch trên nền tảng MetaTrader 5 (MT5), người chơi có thể chuyển tiền VND vào một tài khoản ngân hàng trung gian. VND được quy đổi sang USD và tiền được nộp vào tài khoản khách giao dịch. Tuy nhiên, một số người bạn của anh Tiến đã rơi vào tình trạng “cháy tài khoản” sau một thời gian rất ngắn tham gia vào hình thức này.
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian qua có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân tự nhận là công ty chứng khoán quốc tế hoặc đại diện sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hoặc tự tổ chức sàn giao dịch chứng khoán quốc tế như BE Exchange, DK-Trade, FTXtrade.com, LCM, Multibankfx,…
Các sàn này kêu gọi, mời chào nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại chỉ số chứng khoán, hợp đồng phái sinh chứng khoán quốc tế trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng nêu rõ hình thức kêu gọi đầu tư phổ biến là thông qua mạng xã hội và trực tiếp điện thoại, nhắn tin, các đối tượng này hướng dẫn nhà đầu tư mở tài khoản, nạp tiền và thực hiện giao dịch thông qua các website, ứng dụng do các đối tượng này tổ chức, vận hành (MT4, MT5, Tradingview,..).
Các nhà đầu tư ở Việt Nam tham gia giao dịch, đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến dưới 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp. Đối với phương thức giao dịch đầu tiên, nhà đầu tư mở tài khoản trực tiếp trên website của sàn giao dịch và tự thực hiện hoạt động mua/bán chứng khoán quốc tế.
Trong khi đó, theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, nhà đầu tư đầu tư gián tiếp vào chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài sẽ gửi lệnh mua/bán thông qua cá nhân hoặc tổ chức tự nhận là đại diện của sàn tại Việt Nam. “Các cá nhân/tổ chức này sẽ thay nhà đầu tư chuyển tiền, rút tiền và nhập lệnh lên sàn, thông báo lãi/lỗ, cũng như yêu cầu nhà đầu tư chuyển thêm tiền nếu tài khoản bị lỗ dẫn đến thiếu hụt tài sản ký quỹ”- đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho hay.
Cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động chứng khoán dẫn thông tin từ các Cơ quan Cảnh sát điều tra và đơn từ khiếu nại của nhà đầu tư cho thấy một số đối tượng đã thực hiện can thiệp vào giá mã chứng khoán thông qua ứng dụng do các đối tượng này vận hành dẫn đến nhà đầu tư bị thua lỗ rồi lợi dụng chiếm đoạt tiền đầu tư của họ.
Đáng chú ý, theo quy định pháp luật hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán, ngoài sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán.
Công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, các cá nhân thực hiện hoạt động môi giới cần đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ cũng như được cấp chứng chỉ hành nghề.
Các loại chứng khoán được phép giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được pháp luật về chứng khoán quy định và phải đáp ứng các điều kiện về niêm yết và đăng ký giao dịch trước khi được đưa vào giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán.
Trước các chiêu trò mời gọi đầu tư của các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch không phải do Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành.
“Khi tham gia các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến nêu trên, nhà đầu tư hoàn toàn tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình và không được pháp luật bảo vệ”- Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo.
Đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, đối với những lời mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch, cần cảnh giác khi nhận được các lời mời đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hay phái sinh quốc tế, khi giao dịch cần phải kiểm tra thông tin trên các sàn giao dịch (bao gồm cơ quan cấp phép, quản lý sàn, cơ chế giao dịch, quyền và nghĩa vụ các bên) để có cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại về mặt tài sản.