Đà phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ đang đứng trước một “bài kiểm tra” trong tuần tới, khi số liệu về lạm phát có thể làm giảm những đồn đoán về sự thay đổi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Thống kê cho thấy, chỉ số S&P 500 đã tăng 13% so với mức thấp vào giữa tháng Sáu, trước hy vọng Fed sẽ chấm dứt chính sách tăng lãi suất sớm hơn dự đoán. Theo các chuyên gia, các chỉ số chứng khoán có tăng cao hơn phụ thuộc vào việc liệu các nhà đầu tư có tin tưởng vào kịch bản Fed sẽ thành công trong cuộc chiến chống lạm phát hay không.
Các dấu hiệu gần đây cho thấy lạm phát vẫn cao, bất chấp đà giảm của giá hàng hóa và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể “dội gáo nước lạnh” vào kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất vào đầu năm tới, ảnh hưởng tiêu cực đến các tài sản rủi ro và khiến các sàn chứng khoán chìm trong sắc đỏ một lần nữa.
Michael Antonelli, chiến lược gia thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Baird (Mỹ), cho rằng số liệu về giá tiêu dùng đang có tầm ảnh hưởng lớn và đánh đi một số tín hiệu về những gì Fed đang phải đối mặt.
Các đợt phục hồi của các chỉ số chứng khoán trong năm 2022 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và ba đợt phục hồi trước đó của chỉ số S&P 500 đều đã đảo chiều và rơi xuống mức thấp kỷ lục. Những thống kê này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng kéo dài của đợt phục hồi gần đây trên sàn chứng khoán.
Matthew Tym, người đứng đầu bộ phận giao dịch chứng khoán phái sinh tại công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald (Mỹ), nhận định nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý chờ đợi, giữa lo ngại thị trường hoạt động kém hiệu quả.
Celia Rodgers Hoopes, nhà quản lý tại công ty quản lý đầu tư Brandywine Global (Mỹ), cho rằng phần lớn đà phục hồi gần đây của các chỉ số chứng khoán là nhờ các khoản mua bù thiếu (việc mua lại chứng khoán đã vay). Theo bà Hoopes, rất khó để đưa ra bình luận liệu đà tăng của chứng khoán có bền vững hay không.
Chiến lược gia Antonelli cho biết, nếu tuần tới Mỹ công bố mức lạm phát thấp hơn dự kiến, nhiều nhà đầu tư có thể quay trở lại thị trường chứng khoán.