Năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã xuất hiện sự tăng nóng, chứa đựng không ít yếu tố bất ổn. Nhiều DN nguy cơ thua lỗ nặng nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng 5 – 10 lần.
Thời gian qua, phần lớn nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại… đang đổ dồn đầu cơ vào một số lĩnh vực có rủi ro cao, nguy cơ hình thành “bong bóng” cho nền kinh tế như bất động sản, chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua cũng đã xuất hiện sự tăng nóng, với nhiều phiên giao dịch tỷ đô. Tuy nhiên, nếu không kịp thời có biện pháp hạn chế tình trạng đầu tư lướt sóng, theo phong trào, thì các nhà đầu tư không chuyên có thể chịu thiệt hại, đồng thời tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Dịch bệnh kéo dài, công việc ít, lãi suất ngân hàng thấp nên nhiều nhóm bạn bè rủ nhau đầu tư tiền tạm thời nhàn rỗi vào chứng khoán.
Lập group lên tới hàng chục người, người nọ thông tin cho người kia đầu tư vào mã này, mã kia. Nhiều người không am hiểu đã đầu tư theo mách bảo, nghe ngóng thông tin đồn thổi trên thị trường.
“Cứ xông vào mua thôi, cũng không có kiến thức cơ bản về chứng khoán. Gần đây, thị trường có tăng trưởng, nhưng hầu hết nhóm của tôi toàn lỗ”, một người chơi chứng khoán chia sẻ.
Thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn dài hạn giữa tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư đến những doanh nghiệp cần vốn dài hạn. Tuy nhiên thực tế thời gian qua đã xảy ra tình trạng người người nhà nhà đổ xô đầu tư chứng khoán.
Chỉ tính riêng tháng 11 vừa qua, số tài khoản chứng khoán mở mới đã bằng cả năm 2019 khiến thị trường đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững và hiện tượng bong bóng.
“Chúng ta phải có tiền nhàn rỗi, tránh sử dụng những đòn bẩy tài chính như: vay ngân hàng, vay công ty chứng khoán hoặc vay mượn lẫn nhau dẫn đến việc nhà đầu tư muốn kiếm lời nhanh và coi thị trường chứng khoán như một một nơi tìm kiếm trò chơi may rủi”, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SMART INVEST, nhận định.
Hậu quả là thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nóng và chứa đựng không ít yếu tố bất ổn. Nhiều doanh nghiệp nguy cơ thua lỗ nặng, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng gấp 5 – 10 lần, thậm chí có những cổ phiếu vượt xa giá trị thực cả 100 lần.
“Khi không có kiến thức thì không nên tham gia thị trường chứng khoán. Rủi ro cao nếu đầu tư vào những cổ phiếu mang tính đầu cơ hoặc tăng trưởng nóng hay những cổ phiếu không có nền tảng vững chắc”, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho biết.
Trước thực trạng đầu tư theo phong trào, theo tin đồn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã cảnh báo hiện tượng nhiều nhóm người lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook, Telegram… để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư đổ tiền, vay vốn để mua bán chứng khoán.
Kiểm soát chặt dòng tiền vào lĩnh vực rủi ro
Tăng trưởng tín dụng ngân hàng trong năm qua đã đạt gần 14% trong bối cảnh không ít cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, phải thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động. Do vậy, vấn đề được đặt ra là lượng tiền của các ngân hàng thương mại cho vay thời gian qua tăng cao có thực chất là ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh hay chảy vào những lĩnh vực mang tính rủi ro cao như bất động sản và chứng khoán?
Các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp nào để kiểm soát được dòng tiền đi đúng hướng, đảm bảo an toàn, ổn định cho nền kinh tế… là những vấn đề được đặt ra cho thời gian tới.
Từ giữa tháng 1 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ đặt thêm những điều kiện siết chặt đối với các tổ chức tín dụng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. Đây là một trong những giải pháp hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, do thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng việc phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các dự án.
Từ giữa tháng 1 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ đặt thêm những điều kiện siết chặt đối với các tổ chức tín dụng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. (Ảnh minh họa)
“Cơ quan quản lý đã có những biện pháp hạn chế dòng vốn nóng chảy vào bất động sản. Trong ngắn hạn, thị trường bất động sản sẽ chịu những tác động nhất định”, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Vndirect Trần Thị Khánh Hiền, đánh giá.
Khi dòng vốn tín dụng chảy mạnh vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, hệ lụy của nó là sẽ tạo ra những bong bóng tài sản. Điều này gây ra những tiêu cực cho nền kinh tế do nguồn lực xã hội đổ dồn vào những lĩnh vực mang tính đầu cơ chứ không phải vào sản xuất, kinh doanh để tạo của cải, hàng hóa cho xã hội.
“Chúng tôi dự báo nếu cơn khủng hoảng COVID-19 qua đi, thế giới sẽ có một chu kỳ đầu tư vốn lớn diễn ra trên diện rộng, đảm bảo nhu cầu điện tử công nghiệp, công nghệ cao, xuất khẩu sẽ duy trì mạnh mẽ. Vì vậy, Việt Nam cần ưu tiên hướng dòng vốn vào lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng hiệu quả là rất cần thiết vào thời điểm này”, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Tim Evans nhận định.
Ở vai cơ quan điều tiết nguồn tiền và dòng tiền, Ngân hàng Nhà nước cũng xác định ngay từ đầu năm 2022 sẽ tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo các công cụ hạn mức cho từng ngân hàng. Đối với các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán và trái phiếu của các doanh nghiệp có biểu hiện chưa lành mạnh, vốn không những bị hạn chế, mà còn được tăng cường kiểm soát hơn.
“Chúng tôi tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng tiền chảy vào bất động sản, chứng khoán hay phát hành trái phiếu ở những doanh nghiệp không đảm bảo an toàn. Với lĩnh vực dẫn đến câu chuyện đầu cơ, đẩy giá tăng nóng, gây hiện tượng bong bóng như bất động sản, chúng tôi cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo VTV