Chỉ trong nửa tháng, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục “hấp thụ” tin tức tiêu cực, và gần nhất là tin đồn vô căn cứ về việc sẽ có thêm các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục vướng vòng lao lý. VN-Index mất hơn 2% chỉ trong 1 tuần, giao dịch ảm đảm. Trong khi đó, tình hình kinh tế vĩ mô ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, hoạt động doanh nghiệp trên đà hồi phục… những yếu tố này liệu có thể phá “ngưỡng cản” tâm lý của nhà đầu tư?
Đọc vị, ứng xử với tin đồn
Tuần trước dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ, VN-Index đóng cửa 2/5 phiên giảm điểm, mất hơn 34 điểm (2,27%), xuống mức 1.482 điểm. HNX-Index cũng trải qua tuần giao dịch ảm đạm, giảm điểm cả 5 phiên trong tuần.
Hàng loạt cổ phiếu có liên quan bị “vạ lây” bởi tin đồn. Trong đó, đáng chú ý có nhóm Gelex: GEX, VGC, MHC, VIX, PXL, IDC lao dốc mạnh. Đây là các cổ phiếu liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex. Tuần qua, cổ phiếu GEX giảm 17%, VGC sụt 19%, IDC lao dốc 20%, VIX giảm 16% và PXL lao dốc hơn 21%.
Tâm lý nhà đầu tư liên tục bị thử thách trước những sự việc chưa có tiền lệ liên quan Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh. Thậm chí, mạng xã hội còn lan truyền tin đồn một số cá nhân, doanh nghiệp tiếp tục bị khởi tố, khiến hàng loạt cổ phiếu có liên quan bị “vạ lây”.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset phân tích, tin đồn có “đất sống” phần lớn là do thực tế có môi trường tốt cho chúng tồn tại. Ông Tuấn đánh giá, các tin đồn gần đây không những gây thiệt hại riêng của những doanh nghiệp bị đồn thổi mà còn chỉ ra những mặt cần cải thiện về luật, về quản trị doanh nghiệp, về công tác truyền thông rất rõ ràng.
“Về luật, quy định công bố thông tin tại Thông tư 96/2020/TC-BTC dường như chưa cập nhật thêm hiệu ứng về tin đồn lan truyền qua không gian mạng. Ngoài ra, trách nhiệm còn thuộc về bộ phận Quan hệ nhà đầu tư của đơn vị niêm yết. Bộ phận này nhiều năm qua vẫn chưa được các công ty nhìn nhận trọng yếu và thái độ ứng xử còn hời hợt.
Đây là cánh cửa giao tiếp chính với nhà đầu tư một cách chính danh, làm tốt sẽ ghi điểm và tối ưu hóa được nhiều giá trị từ phía ban lãnh đạo, cũng như nhà đầu tư. Chỉ cần một hành động công bố thông tin trên các cổng thông tin của doanh nghiệp như fanpage, website thì mọi chuyện đâu sẽ vào đó”, ông Tuấn khuyến nghị.
Khi tin đồn xuất hiện, theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, nhà đầu tư cần quan sát, quyết định thật nhanh đầu phiên. Tin đồn mang tính cục bộ một nhóm cổ phiếu (giả sử là thật), có thể sẽ lan ra các nhóm ngành liên quan, không loại trừ là cả thị trường.
“Thông thường những ảnh hưởng cục bộ sẽ tác động tức thời và ngắn hạn. Kinh nghiệm chỉ ra rằng nếu tin đồn không có thật, câu chuyện sẽ kết thúc hoàn toàn trong 1,5 phiên. Trong trường hợp sự việc có thật, nhóm cổ phiếu liên quan vụ việc sẽ rơi sâu và kéo dài, nhóm liên quan có thể sẽ mất khoảng 15% trong 3-4 phiên, thị trường chung sẽ mất 5% – 8% trong vòng 2-3 phiên”, ông Điệp phân tích.
Lạc quan về triển vọng dài hạn
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng, TTCK được ví là thị trường của thông tin, của lòng tin. Vì thế, khi các thông tin liên quan xuất hiện, thì ít nhiều sẽ có tác động tới thị trường và tâm lý nhà đầu tư theo chiều hướng cả tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên, TTCK hiện tại vẫn tích cực nhờ yếu tố nền tảng, vì vậy nhà đầu tư nên bình tĩnh.
Ông Dũng nhận định, dù có những biến động vì yếu tố khách quan, nhưng TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt. Quý I/2022, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô trong nước vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ ổn định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế quý I đạt mức khá 5,03%, tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2022.
Về nội tại thị trường, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ khác như: dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh, …
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, tháng 3/2022, các nhà đầu tư mở mới 271.619 tài khoản, tiếp tục lập kỷ lục mới. Lũy kế tới cuối tháng 3/2022, số tài khoản nhà đầu tư chứng khoán đạt gần 5 triệu tài khoản, tương đương với 5% dân số Việt Nam. Mục tiêu 5% dân số đầu tư vào chứng khoán đã được hoàn thành sớm hơn 3 năm.
Trong báo cáo chiến lược tháng 4/2022, Công ty Chứng khoán SSI nhận định các biện pháp giúp làm lành mạnh hóa và giảm thiểu đầu cơ trên các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu đang được thực hiện, về mặt lâu dài sẽ có tác động tích cực. Với diễn biến giao dịch tuần qua, chuyên gia của SSI cho rằng, sau khi xuyên thủng vùng hỗ trợ tâm lý 1.500 điểm, chỉ số VN-Index đang được hỗ trợ quanh vùng 1.470 điểm và hỗ trợ mạnh nằm tại vùng 1.440 – 1.425 điểm. Khối lượng giao dịch liên tục sụt giảm, tín hiệu thị trường chưa quá tiêu cực.
Tháng 4/2022, mùa đại hội cổ đông được kỳ vọng là yếu tố dẫn dắt thị trường và dòng tiền sẽ luân chuyển đến cổ phiếu của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh và nền tảng cơ bản tốt trong năm nay. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận khó hơn nhiều so với năm 2021 và các nhóm ngành có sự phân hóa mạnh. |
Theo Tiền Phong