Thứ hai, Tháng Một 20, 2025

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (29/6): DPM, PVD và KBC

SSI cho rằng DPM có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý II (dự đoán mức tăng trưởng là 60-70%) và quý III, nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận có thể là con số âm trong quý IV. Do đó, giá cổ phiếu có thể tiếp tục có những diễn biến tích cực trong ngắn hạn.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (29/6): DPM, PVD và KBC
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (29/6): DPM, PVD và KBC

SSI: Khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu DPM

Mới đây, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (HoSE: DPM) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 với nội dung chính là nâng kế hoạch lợi nhuận ròng thêm 268% so với kế hoạch ban đầu lên 3.500 tỷ đồng, tương đương mức tăng 10% so với thực hiện năm 2021.

Động lực đến từ giá bán bình quân urê thuận lợi trong quý I và quý II trong năm. Đồng thời, kế hoạch doanh thu cũng được điều chỉnh tăng thêm 56% so với dự định cũ, đạt mức 17.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.

Đại hội cũng phê duyệt phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 50% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức là 9,4%, cao hơn mức kế hoạch ban đầu là 35% trên mệnh giá).

Ngược lại, các cổ đông (ngoài Tập đoàn Dầu khí – Petrovietnam Group) đã không thông qua đề xuất tăng chi phí vận chuyển khí giai đoạn 2014-2018 của ban lãnh đạo. Như vậy, DPM có thể không phải trả thêm 18 triệu USD hay 430 tỷ đồng cho GAS.

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, lợi nhuận của DPM đã theo sát với diễn biến giá urê, đạt được mức cao nhất về giá trị tuyệt đối trong quý I/2022, sau đó giảm dần trong quý II và quý III, nhưng có thể cải thiện trong quý IV khi mùa cao điểm bắt đầu.

Về tăng trưởng so với cùng kỳ, SSI cho rằng DPM có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý II (SSI dự đoán mức tăng trưởng là 60-70%) và quý III, nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận có thể là con số âm trong quý IV. Do đó, giá cổ phiếu có thể tiếp tục có những diễn biến tích cực trong ngắn hạn.

Với giả định giá urê tiếp tục giảm so với mức đỉnh, SSI ước tính giá bán bình quân urê năm 2022 là 14.600 đồng/kg (tăng 38% so với cùng kỳ), giá bán hiện tại là 14.500 đồng/kg (tăng 67% so với cùng kỳ) và giá bán bình quân trong quý I vừa qua là 17.153 đồng/kg (tăng 151% so với cùng kỳ). Từ đó, SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của DPM lần lượt đạt 17.600 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ) và 5.100 tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ).

Đối với năm 2023, SSI kỳ vọng rằng giá dầu/khí và giá than sẽ giảm từ mức cao thiết lập trong năm 2022, và Nga và Trung Quốc sẽ xuất khẩu urê nhiều hơn so với năm 2022. Do đó, SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2023 lần lượt đạt 16.300 tỷ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ) và 4.100 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ).

Cổ phiếu DPM hiện đang giao dịch với P/E 2022E là 4,1 lần với tỷ suất cổ tức là 10%. Sử dụng hệ số trung bình của năm 2022-2023 và mức tổng sinh lời 31% (bao gồm tỷ suất cổ tức 10% cho năm 2022), SSI đưa ra giá mục tiêu 12 tháng cho cổ phiếu DPM, dựa trên P/E, P/B và EV/EBITDA với trọng số như nhau, là 59.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 21,8% so với giá đóng cửa phiên 28/6.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này hạ khuyến nghị của DPM xuống trung lập (từ khả quan) dựa theo dự báo lợi nhuận sẽ biến động mạnh vào nửa cuối năm 2022. Trong ngắn hạn, cổ phiếu DPM vẫn có thể tạo ra một số cơ hội đầu tư ngắn hạn do doanh nghiệp có khả năng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong quý II, nhưng sau đó, SSI dự đoán giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận giảm dần.

BSC: Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PVD

Quý I, doanh thu của Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) đạt 1.146 tỷ đồng, tăng 108% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ đóng góp của giàn khoan TAD; ghi nhận doanh thu từ 1 giàn khoan thuê ngoài và sự phục hồi của mảng dịch vụ giếng khoan (tăng 83,6% cùng kỳ).

Tuy nhiên, sự phục hồi chậm của hiệu suất sử dụng giàn tự nâng (chỉ 60%) và giá thuê giàn (tăng 4% cùng kỳ) không đủ bù đắp cho chi phí cố định của đội giàn tự nâng, dẫn đến khoản lỗ gộp 13,2 tỷ đồng của mảng khoan. Bên cạnh đó, PVD ghi nhận thu nhập từ công ty liên kết giảm trong khi chi phí ngoài hoạt động kinh doanh đến từ hoạt động tài chính và hoạt động khác trong quý I tăng. Kết quả, PVD lỗ ròng 56,2 tỷ đồng, trong khi quý I/2021 lỗ ròng 104 tỷ đồng.

Năm 2022, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVD đạt lần lượt là 4.976 tỷ đồng (tăng 25% so với năm trước) và 48 tỷ đồng (tăng 30%), tương ứng EPS dự phóng là 61 đồng.

BSC giả định hiệu suất hoạt động giàn khoan tự nâng năm 2022 của PVD đạt mức trung bình 77% trong năm; giá cho thuê giàn khoan trung bình năm 2022 đạt 60.000 USD/ngày (tăng 15% cùng kỳ), và doanh nghiệp trích lập dự phòng thêm 54 tỷ đồng phải thu từ đối tác KrisEnergy.

BSC cũng hy vọng các giàn khoan tự nâng của PVD được đảm bảo hoạt động nhờ giá dầu tăng cao; giá thuê ngày giàn khoan tự nâng vẫn ở mức thấp hơn so với khu vực. Đồng thời, chuỗi dự án Lô B – Ô Môn nếu được triển khai có thể đem lại nguồn công việc lớn cho PVD giai đoạn 2023-2024.

Vì thế, BSC khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PVD với giá mục tiêu năm 2022 là 19.800 đồng/cổ phiếu, triển vọng tăng giá 12% so với thị giá, dựa trên phương pháp P/B và EV/EBITDA với tỷ trọng là 50% – 50%.

ACBS: Khuyến nghị mua KBC với giá mục tiêu 70.000 đồng/cổ phiếu

Ngày 25/6, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HoSE: KBC) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022 với một số điểm nổi bật như: kế hoạch kinh doanh năm nay không thay đổi so với kế hoạch đã được đại hội cổ đông bất thường thông qua cách đây vài tháng, trong đó doanh thu mục tiêu là 9.800 tỷ đồng (tăng 128% so với năm 2021) và lợi nhuận sau thuế là 4.500 tỷ đồng (tăng 474%).

KBC dự kiến sẽ ký hợp đồng cho thuê 50ha với một tập đoàn lớn chuyên kinh doanh các sản phẩm Apple vào tuần tới tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu. Phần mở rộng KCN 90ha có thể được phê duyệt trong tháng tới.

Đồng thời, KBC đã chính thức ký hợp đồng cho thuê với OPPO cách đây 3 tuần (đã ký MOU trước đó) tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh.

Trong thời gian tới, KBC kỳ vọng là đơn vị tiên phong được cấp phép xây dựng các KCN công nghệ cao và KCN sinh thái theo Nghị định 35, đặc biệt là tại tỉnh Hải Dương. Ngoài Hải Dương, Hưng Yên, Long An, Tiền Giang, Vũng Tàu, KBC đang xin đầu tư các dự án KCN tại Quảng Ninh. Tại Bắc Ninh, KBC đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép thành lập thêm 3 KCN mà công ty đã đề xuất năm ngoái.

Năm 2022, KBC có kế hoạch huy động khoảng 10.000 tỷ đồng để đầu tư vào các dự án cũ và mới tại Hưng Yên, Long An, Hải Dương và Tiền Giang. KBC dự kiến sẽ khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội tại KCN Tân Phú Trung (47ha) vào năm 2022. Hiện tại, doanh nghiệp đang triển khai xây dựng dự án nhà ở xã hội (0,3ha) tại Bắc Giang.

Công ty Chứng khoán ACBS nhận định, kết quả kinh doanh quý I của KBC đã thấp hơn kỳ vọng khi chỉ ghi nhận gần 700 tỷ đồng doanh thu và 523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 65% và 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, KBC mới chỉ hoàn thành 7% kế hoạch doanh thu và 12% kế hoạch lợi nhuận cả năm, nguyên nhân là do ảnh hưởng của Covid-19 đến tiến độ bàn giao các dự án.

ACBS cho rằng tăng trưởng trong năm 2022 của KBC sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc bàn giao khu đô thị Tràng Cát, dự kiến chiếm 45% tổng doanh thu và 53% lợi nhuận gộp. Một số quỹ đầu tư nước ngoài có kế hoạch mua sỉ hoặc cùng hợp tác phát triển dự án này nhưng hiện tại vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Theo doanh nghiệp thì dự án này đã san lấp được 100ha và dự kiến tăng lên 200ha vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, KBC đang xin điều chỉnh quy hoạch 1/500 để tăng tổng diện tích của dự án từ 585ha lên 900ha.

Sử dụng phương pháp NAV, ACBS điều chỉnh giá mục tiêu của KBC giảm 7% xuống gần 70.000 đồng/cổ phiếu nhưng lặp lại khuyến nghị mua vì kỳ vọng vào triển vọng tích cực đối với phân khúc bất động sản công nghiệp nhờ nhu cầu ổn định, xu hướng “Trung Quốc +1” và việc chính phủ đầu tư nhiều hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo VietnamFinance

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT