Khi khối ngoại tiếp tục bán ròng, nhóm bluechip phân hóa mạnh, dòng tiền có xu hướng tìm cơ hội ở những phân khúc vốn hóa vừa và nhỏ. Chỉ trong hai tuần đầu tháng 2, một số mã ghi nhận mức tăng hai con số, thậm chí gần gấp đôi.
![]() |
Xu hướng giằng co và phân hóa tiếp tục là diễn biến chủ đạo của thị trường chứng khoán trong nước từ đầu năm 2025. Ảnh tư liệu |
Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ “nổi sóng”
Xu hướng giằng co và phân hóa tiếp tục là diễn biến chủ đạo của thị trường chứng khoán trong nước từ đầu năm 2025. Áp lực bán ròng của khối ngoại, lo ngại câu chuyện chiến tranh thương mại 2.0, cùng diễn biến từ tỷ giá và lạm phát, khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng.
Định giá hấp dẫn có thể hút dòng tiềnTheo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, trong bối cảnh mặt bằng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có xu hướng tăng khả quan trong năm qua, EPS toàn thị trường được thúc đẩy, đưa định giá P/E của VN-Index về mức tương đối hấp dẫn. Trong đó, báo cáo lợi nhuận khả quan, đặc biệt từ các ngành công nghệ, ngân hàng càng củng cố tâm lý nhà đầu tư và tạo kỳ vọng giúp thu hút thêm dòng vốn vào thị trường. |
Chỉ số VN-Index có lúc lùi về mốc 1.220 điểm trong tháng 01, trước khi phục hồi trở lại nhờ động lực chính sách và hiệu ứng từ mùa công bố kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết. Nửa đầu tháng 02, áp lực bán ròng của khối ngoại, sự phân hóa của nhóm vốn hóa lớn khiến VN-Index vẫn chủ yếu giao dịch trong khung 1.250 – 1.270 điểm.
Giữa nhịp thị trường là sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30, với biên độ thay đổi so với cuối năm trước không mấy khác biệt, thậm chí một số nhóm còn bị ảnh hưởng mạnh gần đây như thép, bán lẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung trầm lắng, nhiều nhóm cổ phiếu vẫn ghi nhận mức tăng đột biến.
Ở nhóm khoáng sản, cổ phiếu MSR của Masan High-Tech Materials đã tăng gần gấp đôi chỉ sau hai tuần đầu tháng 2. Cổ phiếu “họ Masan” giao dịch quanh mốc 10.000 đồng trong tháng đầu tiên của năm nay, trước khi bật tăng mạnh. Đến hết phiên sáng ngày 14/2, thị giá của MSR ở mức 19.800 đồng.
Tương tự, một số cổ phiếu khoáng sản khác cũng trở thành tâm điểm trong những phiên giao dịch từ đầu tháng. Mã BKC của Khoáng sản Bắc Kạn là một trong những cái tên được quan tâm nhất khi tăng vọt từ vùng giá quanh 15.000 đồng lên hơn 50.000 đồng sau hơn một tháng, tương ứng biên độ hơn 300%. Mã KSV của Tổng công ty Khoáng sản TKV cũng tương tự khi mở cửa năm 2025 ở mức hơn 130.000 đồng nhưng hiện đã lên hơn 280.000 đồng, trở thành một trong những mã đắt giá nhất thị trường.
Ngoài nhóm khoáng sản, các cổ phiếu cảng biển – vận tải biển hay nhóm cao su cũng ghi nhận nhiều phiên tăng cao đột biến. Như TOS của Dịch vụ biển Tân Cảng, mã này từ giữa tháng 01 đến nay đã tăng gấp đôi, lên hơn 140.000 đồng; TCL của Đại lý Giao nhận vận tải xếp dỡ Tân Cảng cũng tăng lên hơn 41.000 đồng…
Phía sau đà tăng “phi mã” của nhiều nhóm cổ phiếu
Lý giải hiện tượng này, ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư tại FIDT cho rằng, việc dòng tiền chuyển hướng trong gần đây xuất phát từ áp lực khối ngoại bán ròng, khiến những mã vốn hóa lớn và trung bình lớn bị ảnh hưởng.
“Trong bối cảnh thanh khoản thị trường chưa cao. Dòng tiền có khuynh hướng đi lựa những cổ phiếu có câu chuyện riêng, ít có ảnh hưởng bởi áp lực bán ở khối ngoại, bởi những biến số như câu chuyện áp thuế của Chính quyền Tổng thống Donald Trump” – ông Huỳnh Hoàng Phương nói với TBTCVN.
Nhà đầu tư nước ngoài đã nối dài chuỗi bán ròng sang tháng thứ 4 liên tiếp với giá trị gần 6.500 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 1/2025. Nửa đầu tháng 02, áp lực bán ròng chưa có dấu hiệu chững lại, hướng tới tháng bán ròng thứ 5 liên tiếp.
Áp lực bán ròng này, theo ông Phương, tập trung chủ yếu vào nhóm vốn hóa lớn và trung bình lớn. Diễn biến này vừa tạo áp lực lên giá cổ phiếu, vừa ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư trong nước, dẫn tới thanh khoản bị ảnh hưởng. Trong khi đó, những mã vốn hóa vừa và nhỏ đang có những “câu chuyện riêng”, với những kỳ vọng về kết quả kinh doanh, nên trở thành đích đến của dòng tiền.
Cùng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cũng cho rằng, đà tăng của những nhóm này xuất phát từ hai vấn đề chính, né áp lực bán ròng của khối ngoại và “câu chuyện riêng” về kỳ vọng kết quả kinh doanh. Đơn cử như KSV, chuyên gia VPBankS cho rằng có thể coi là cổ phiếu ngách, nằm trong lĩnh vực đặc biệt và có lợi thế đặc thù.
Với nhóm khoáng sản, theo ông Huỳnh Hoàng Phương, giá một số hàng hóa cơ bản đã tăng cao sau khi Mỹ và Trung Quốc có những động thái đầu tiên liên quan tới thuế quan. Tương tự với một số nhóm cổ phiếu hàng hóa khác như cao su. Điều này ngay lập tức được giới phân tích và nhà đầu tư chú ý, dự phòng cho một số doanh nghiệp khoáng sản trong nước cũng có thay đổi, theo chuyên gia từ FIDT.
Tuy nhiên, bản chất của sự dịch chuyển này cũng khác trước. Cùng trong những nhóm “nổi sóng” như khoáng sản, logistics hay cao su, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước, những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt được dòng tiền hướng tới, trong khi nhiều mã mang tính đầu cơ “nằm ngoài cuộc chơi”.
“Sự dịch chuyển không chỉ mang tính chất tìm kiếm cơ hội đầu cơ, mà quan trọng hơn là vấn đề nội tại của ngành, của doanh nghiệp cũng được chú ý. Điều này xuất hiện ở ngay trong nhóm bluechip khi những doanh nhiệp trong các nhóm như cao su, logistics có biến động tích cực hơn so với phần còn lại” – ông Phương nhận xét.
Minh Tuấn
Link nguồn: Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục “nổi sóng” | Thời báo Tài chính Việt Nam