Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024

ĐẠO DIỄN HOÀNG DUẨN – CÁI DUYÊN VỚI “NGƯỜI MANG 9 ÁN TỬ”

Đạo diễn Hoàng Duẩn tiếp tục “cầm trịch” vở kịch lịch sử “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử” vở diễn đang tạo nên cơn sốt vé hiện nay. Lần trở lại này, vở kịch được nghiên cứu, chỉnh sửa và xây dựng nội dung chặt chẽ, hấp dẫn đầy kịch tính mang đến cho khán giả góc nhìn mới, khá toàn diện về Tả quân Lê Văn Duyệt – nhân vật lịch sử từ lâu đã trở thành tượng đài trong lòng người dân Sài Gòn – Gia Định nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung.

Hoàng Duẩn trong vai Tướng cướp Chín Đước trong bản dựng của NSND Doãn Hoàng Giang năm 2008

Thu hút từ suất đầu công diễn

Tối ngày 10.4 vở kịch lịch sử “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử”  đã chính thức ra mắt với công chúng tại Nhà Văn hoá Thanh niên.

Khi chiến tranh kết thúc, Gia Định Thành và năm trấn Phiên An được Tổng trấn Lê Văn Duyệt giúp an dân, lập ấp, mở rộng giao thương buôn bán với các nước kể cả phương Tây, đời sống nhân dân ngày càng ấm no. Bên cạnh việc chăm lo đời sống người dân thì Tổng trấn còn giúp đất nước Chân Lạp thoát khỏi sự quấy phá của quân Xiêm La. Khi Gia Long mất, vì sợ ảnh hưởng đến ngai vàng nên Minh Mạng (Quang Thảo) điều Lê Văn Duyệt (Đình Toàn) về Phú Xuân để kìm hãm quyền hạn của ông, Gia Định Thành được giao lại cho Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý (Đại Nghĩa) cai quản, nhưng điều này đã đẩy con dân rơi vào cảnh khốn khó, lầm than vì bị quan lại áp bức, bóc lột, trộm cướp lộng hành. Quốc vương Chân Lạp bị Xiêm La tấn công phải chạy sang Gia Định Thành để cầu mong Tổng trấn Lê Văn Duyệt ra tay cứu giúp. Trước tình thế đó, Lê Văn Duyệt đã quyết định tấu trình vua Minh Mạng xin được trở lại Phương Nam đang đầy biến loạn. Vua Minh Mạng đành cho Lê Văn Duyệt trở lại Gia Định lần thứ 2 làm Tổng trấn Gia Định Thành và năm trấn Phiên An dù biết rằng như vậy là “thả hổ về rừng”. Và đoạn đời đầy bi hùng của Đức Thượng công Tả Quân Lê Văn Duyệt bắt đầu từ đây, khi ông không chỉ diệt giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi, giúp nước láng giềng tránh quân xâm lược mà để giúp an định lòng dân ông đã dùng quyền tiền trảm hậu tấu để chém đầu cha vợ của vua – Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý, vì tội hống hách, tham nhũng, cậy quyền ức hiếp đàn áp, nhũng nhiễu dân lành.

Nỗi tức giận của Vua Minh Mạng vì bị Lê Văn Duyệt qua mặt, được đám quan lại kề cận dèm xiểm “thêm dầu vào lửa”, kề cận là một Huệ Phi (NSƯT Mỹ Duyên) – con gái của Huỳnh Công Lý xảo quyệt một mực đòi Minh Mạng xử tội Lê Văn Duyệt để đền mạng cho cha…. Và tất cả đã tạo nên những bi kịch trong đoạn đời cuối cùng của Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Sau sự kiện chém đầu Huỳnh Công Lý, đời sống của người dân muôn phần bình an, thì mười năm sau nước mắt của con dân Gia Định Thành rơi xuống một lần nữa đó là ngày Đức Ông ra đi vĩnh viễn và hóa thân vào những bông gòn trong trắng của Gia Định Thành.

Hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ khán giả hoàn toàn bị hút vào những diễn biến liên tục trên sân khấu. Phần nhìn khán giả được thoả mãn không chỉ là những màn trình diễn hoành tráng, đẹp mắt như cảnh đánh trận bằng nghệ thuật Hát Bội, múa lục cúng hoa đăng, đánh võ, hồi tưởng về cảnh dân Gia Định lầm than mà còn bởi cảnh trí ấn tượng, trang phục đẹp mắt. Phần nghe cũng thoả mãn nhu cầu của người xem khi những đoạn hội thoại đấu tâm lý cân não đầy kịch tính giữa Minh Mạng với Lê Văn Duyệt, Minh Mạng với Huệ Phi, Lê Văn Duyệt với Huỳnh Công Lý và kể cả những đoạn tình cảm của Lê Văn Duyệt với vợ là Đỗ Thị Phận (Hoàng Trinh), hay Đức Ông Lê Văn Duyệt với phó tướng của mình là Trương Tấn Bửu (Quốc Thịnh), con nuôi Lê Văn Khôi (Hoà Hiệp), hay với những người dân Gia Định. Trong đêm diễn rất nhiều những tràn pháo tay đã liên tiếp dành cho từng cảnh diễn, từng câu thoại của các nhân vật. Hiếm thấy vở kịch nào là thu hút khán giả sau mỗi cảnh diễn hay mỗi câu thoại được như vậy.

Kết thúc vở diễn, các diễn viên cúi chào như lời cảm ơn đến với khán giả, bộ phận kĩ thuật,….đã góp phần mang đến thành công cho vở diễn. Đặc biệt, sự xuất hiện của Đạo diễn Hoàng Duẩn khi diễn viên đã dành cho anh sự trân trọng đặc biệt họ đã đưa tay mời anh xuất hiện trên sân khấu, anh cúi đầu chào khán giả như lời tri ân và cảm kích vì những tình cảm mà khán giả cũng như diễn viên đã mang đến cho “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử”.

Tác phẩm là sự trở lại của IDECAF sau vài năm vắng bóng trong dòng kịch lịch sử. Được biết, vở kịch đã khai màn cho chương trình Sân khấu sử Việt học đường của Nhà hát kịch IDECAF. Hiện nay vé các suất tiếp theo 21/4 và 28/4 đã hết và khán giả đang tiếp tục tìm mua vé với các suất diễn tiếp theo trong tháng 6.

Cái duyên với Tả quân Lê Văn Duyệt

Từ lâu, Tả quân Lê Văn Duyệt – hình tượng vị khai quốc công thần triều Nguyễn đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người làm sân khấu, được khắc họa qua nhiều phiên bản khác nhau từ Hát bội, Cải lương đến Kịch nói. Và Hoàng Duẩn đã may mắn 3 lần được làm việc về hình tượng nhân vật “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt”.

Tiến sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn hiện là phó trưởng Khoa quản lý văn hoá, nghệ thuật Trường Đại học văn hoá TP.HCM.

Trước đó, năm 2008 cố NSND Doãn Hoàng Giang đã dàn dựng cho Nhà hát kịch TP.HCM và anh đã tham gia với vai trò trợ lý đạo diễn, đồng thời đảm nhận vai diễn tướng cướp Chín Đước vì chịu sự áp bức mà vùng lên song lại được Lê Văn Duyệt cảm hoá. Đây cũng chính là một trong những vai ấn tượng nhất trong bản dựng năm đó trên sân khấu Nhà hát Kịch. Năm 2011 anh dựng lại vở này với phiên bản rút gọn để cho Nhà hát Kịch có thể thuận lợi khi lưu diễn, chính anh là người đã làm việc với Ban quản lý Lăng Ông để đưa vở vào diễn tại đây 2 suất. Năm 2020, Hoàng Duẩn làm đạo diễn vở Cải lương “Án tử”, được chuyển thể từ vở kịch Tả quân Lê Văn Duyệt cho Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và đạt Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40 năm 2020, hạng mục ở Chương trình sân khấu.

Ở phiên bản lần này, Đạo diễn Hoàng Duẩn vẫn dàn dựng từ kịch bản “Người mang 9 án tử” của tác giả Phạm Văn Quý, nhưng anh đã nhờ tác giả Võ Tử Uyên chỉnh lý lại kịch bản theo ý đồ của mình và được ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thống nhất đặt tên tác phẩm là “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử”.

Điều này cũng mang đến một áp lực khá lớn khi anh phải nghiên cứu lại các tài liệu lịch sử về ông để xây dựng một vở diễn có nội dung chặt chẽ, tránh lặp lại hai phiên bản trước, tạo nên sự mới lạ, trẻ trung nhưng vẫn giữ được cái hồn của tác phẩm gốc.

“Việc dựng một vở kịch lịch sử về Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đã khó, nhưng để thu hút được khán giả trẻ, giúp khán giả trẻ có thể đón xem và hiểu thêm về nhân vật khai quốc công thần như Ông còn là điều khó hơn. Tôi sinh ra ở Quảng Ngãi cùng chung quê hương của Đức Ông nay lại được sống và làm việc tại Sài Gòn nơi đã ghi dấu bao công lao và chiến tích hùng anh của Ông, tôi dựng vở này như với mong muốn được thể hiện lòng tri ân với nhân vật lịch sử được người dân miền Nam tôn kính. Nhiều đêm tôi không ngủ được vì tìm chìa khoá cho bản dựng lần này”- Đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ.

Họa sĩ Lê Văn Định đã thiết kế sân khấu hoành tráng nhưng không cầu kỳ, sáng tạo trong việc sử dụng cảnh trí và đạo cụ triệt để đã làm rõ không gian của từng bối cảnh diễn ra, vừa tôn được trang phục và diễn xuất của diễn viên. Ngoài những phân đoạn gây ấn tượng trong vở diễn thì trang phục còn là một điểm sáng tiếp theo, NTK Ngọc Tuấn và NTK Trung Huỳnh đã được tư vấn, tìm hiểu và nghiên cứu để tạo ra các trang phục, đạo cụ nhà Nguyễn vừa chính xác về kiểu dáng, hoạ tiết, hoa văn nhưng vẫn có sự cách điệu phù hợp, bắt mắt. Biên đạo múa Vĩnh Khương đã rất khéo kéo khi đan xen giữa múa và kịch nhằm tăng thêm hình ảnh ẩn dụ và sự hoành tráng cho vở diễn. Âm nhạc đậm đặc chất Nam Bộ cũng tạo nên cảm giác cho vở diễn. Nhạc sĩ Cao Minh Thu đã tạo nên sự cộng hưởng hoàn hảo giữa các làn điệu dân gian truyền thống như: nhạc lễ, điệu lý, nói thơ Bạc Liêu và những ca khúc chủ đề. Cố vấn Hát bội Ngọc Khanh, phó đạo diễn Ngô Minh Trọng cũng đã góp công lớn cho thành công vở diễn. Ngô Minh Trọng cũng chính là một trong những học trò xuất sắc đã cùng đạo diễn Hoàng Duẩn tạo nên thành công của rất nhiều vở diễn.

“Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử” đã được Nhà hát Kịch IDECAF ấp ủ từ lâu, e-kip thực hiện đã không ngừng sáng tạo, nỗ lực làm việc và chỉnh chu trong từng khâu sản xuất để mang đến một vở kịch thật sự chất lượng nhằm phục vụ cho khán giả. Đối với Hoàng Duẩn, để tạo nên một vở kịch hay không chỉ dừng lại ở kịch bản mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, những nhân vật lịch sử không chỉ tạo cảm hứng mà còn là thử thách dành cho các diễn viên, nhưng anh luôn cảm thấy may mắn vì bên cạnh mình là những người cộng sự giỏi nghề và dày dặn kinh nghiệmm chịu khó. Ví dụ riêng bài Nói thơ Bạc Liêu anh đã phải nghe rất nhiều chất liệu âm nhạc dân gian Nam Bộ mới chọn được, và sau nhiều lần tự chỉnh sửa bổ sung lời với nhạc sĩ Cao Minh Thu thì mới hoàn thành được bài ca. Hay trong lúc tập không chỉ có các màn tranh luận giữa các bộ phận mà tai nạn cũng đã xảy ra dù không quá nặng như trong lúc tập Đại Nghĩa đã bị Đình Toàn “cho ăn đòn” vào đầu, hay mỗi khi rảnh thì các anh chị lại tranh thủ tập cho các em diễn viên trẻ hát nhưng câu thán trong vở kịch… tất cả đã nói lên sự tâm huyết, muốn cống hiến sức mình cho vở kịch, như một sự tri ân với Đức Ông của các thành viên góp phần tạo nên vở diễn. “Ngoài các anh chị diễn viên quen thuộc thì các diễn viên của Nhà hát múa rối Nụ Cười và các bạn diễn viên trẻ như: Thanh Anh (vai cô gái Lảnh lót chờ chồng), Tâm Anh (vai ông Tư đờn cò), Trúc My (vai bé Mỵ cháu ông Tư)”, Quốc Tuấn (vai anh lính say), Đông Hải, Kan Lê (trong các vai Hoàng Quyền, Bạch Xuân Nguyên)…đã tạo nên những dấu ấn của mình góp phần không nhỏ cho thành công của vở diễn”- Hoàng Duẩn cho biết.

Một số hình ảnh ấn tượng trong vở diễn “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử” do Hoàng Duẩn làm đạo diễn, hiện đang gây nên hiện tượng sốt vé trên sân khấu TP.HCM.
Một số hình ảnh ấn tượng trong vở diễn “Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt – Người mang 9 án tử” do Hoàng Duẩn làm đạo diễn, hiện đang gây nên hiện tượng sốt vé trên sân khấu TP.HCM.

Vở diễn có sự tham gia của những gương mặt quen thuộc của Nhà hát Kịch IDECAF, gồm: NS Đình Toàn, NSƯT Đại Nghĩa, Quang Thảo, Hoàng Trinh, Hòa Hiệp, Quốc Thịnh, NSƯT Mỹ Duyên, Thanh Anh, Tâm Anh, Trúc My, Quốc Tuấn, Đông Hải, Kan Lê, Bảo Cường, Hồng Phước, Công Tôn Nghĩa… và gần 30 diễn viên của Nhà hát múa rối Nụ Cười.

Những giải thưởng về đề tài lịch sử của Hoàng Duẩn

-Huy Chương Vàng Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 vở “CÂU HÒ ĐẤT MẸ” – – Nhận Giải đạo diễn xuất sắc nhất của Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 vở “Câu hò đất Mẹ”

– Thành uỷ khen thưởng năm 2023 vở diễn “Câu hò đất Mẹ”

-Huy chương Vàng, Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2020, vở diễn “Án Tử”

-Huy Chương Bạc, Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2011, vở diễn “Đường mòn trên biển” .

….

Bích Duyên

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT