Thứ năm, Tháng Một 9, 2025

Đầu tư cổ phiếu nào để ‘đón đầu’ dòng vốn ngoại?

Dự báo dòng tiền sẽ tăng mạnh hơn vào nửa cuối năm 2025, nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng và thị trường sẽ diễn ra tích cực. Từ đó, cơ hội mở ra với nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Năm 2024, Việt Nam và hầu hết thị trường mới nổi và cận biên đều chịu áp lực giống nhau về tỷ giá so với USD, thậm chí có những thị trường đã giảm so với đầu năm từ 10 – 12%.

Chứng khoán Việt vẫn được khối ngoại yêu thích

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng rất mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Cả năm 2024, khối ngoại đã bán ròng khoảng 90.000 tỷ đồng, rút trở lại các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu.

Dù vậy, điểm tích cực là chỉ số VN-Index không chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi đà bán ròng này mà chỉ mang tính rung lắc. Điều đó cho thấy mặc dù đã có nhiễu động rất lớn, nhưng TTCK Việt Nam vẫn có “sức hút” riêng để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Nhìn tổng quan, trong năm 2024, hầu hết các thị trường đều bị rút vốn. Trong 12 tháng vừa rồi, Đài Loan (Trung Quốc) bị rút 20 tỷ USD, Thái Lan bị rút 4 tỷ USD, trong khi Việt Nam bị rút khoảng hơn 3 tỷ USD. Như vậy, có thể thấy Việt Nam có bị ảnh hưởng, nhưng con số không quá lớn.

-4978-1736240683.jpg

TTCK Việt Nam vẫn có “sức hút” riêng để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.

Bước sang năm 2025, trong ngắn hạn, với yếu tố “thiên nga đen” từ việc ông Donald Trump sắp bước vào Nhà Trắng và có thể đưa ra các quyết sách khó lường trong quý I và quý II, tỷ giá ở hầu hết các thị trường vẫn căng thẳng, đồng USD vẫn tăng và lợi suất trái phiếu vẫn neo cao, đặc biệt Fed hạ lãi suất ít hơn so với kỳ vọng (2 lần) thì nhiễu động thị trường sẽ vẫn còn.

Tuy nhiên, đến nửa cuối năm, giới phân tích cho rằng Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng chính từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank, nền kinh tế tăng trưởng tốt, nền chính trị ổn định được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, FDI tăng trưởng 9,4% trong năm 2024, tương ứng giải ngân 25,3 tỷ USD là minh chứng cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn yêu thích Việt Nam. Do vậy, ảnh hưởng của tỷ giá đến Việt Nam trong năm 2025 vẫn có, nhưng không mạnh như năm 2024.

Mặt khác, hiện nay, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nỗ lực từng bước để sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn tồn đọng sao cho phù hợp với thông lệ của FTSE và MSCI, nhằm đưa TTCK sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE và xa hơn là MSCI. Theo đó, khả năng cao Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ chủ động và thụ động quốc tế tham gia đầu tư.

Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), TTCK Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng theo đánh giá của FTSE Russell trong kỳ tháng 9/2025 và chính thức được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2026, qua đó đem lại các tác động tích cực lên dòng vốn ngoại chảy vào TTCK.

KBSV ước tính, sau khi nâng hạng, Việt Nam có thể đón nhận khoảng 36.000 tỷ VND vốn ngoại từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số thị trường mới nổi của FTSE (~1,5% tổng quy mô tài sản các quỹ ETF này) và khoảng 100.000 tỷ VND vốn từ các quỹ thụ động và chủ động với danh mục lựa chọn trong rổ thị trường mới nổi FTSE (~1% tổng quy mô tài sản các quỹ này).

Chuyên gia VPBankS nhận định, quý III và quý IV sẽ là giai đoạn mà dòng tiền tăng mạnh hơn, nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng và thị trường sẽ diễn ra tích cực.

“Giai đoạn điều chỉnh giữa năm có thể là cơ hội tốt để chúng ta giải ngân. Chúng ta chỉ có cơ hội tốt khi giá cổ phiếu có sự chiết khấu tốt”, ông Sơn nói.

Kỳ vọng với nhóm cổ phiếu chứng khoán

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với sản phẩm đầu tư còn sơ khai, TTCK Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển các sản phẩm đầu tư mới, phù hợp theo xu hướng chung của thế giới khi thị trường nâng hạng. Do đó, các công ty chứng khoán sẽ hưởng lợi khi lượng khách hàng mới (cả trong và ngoài nước) tham gia đầu tư sản phẩm mới tăng lên. Lúc đó, nhu cầu vay ký quỹ sẽ tăng mạnh, giúp các công ty chứng khoán gia tăng lợi nhuận.

Trong năm 2024, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có những nhịp tăng giảm đan xen, phản ánh thực trạng phân hóa của thị trường chung cùng với diễn biến vận hành hệ thống KRX không như kỳ vọng.

Hiện tại, định giá P/E của ngành chứng khoán là 20,2 lần và P/B là 1,9 lần, tức đang nhỉnh hơn so với mức định giá trung bình 5 năm lần lượt là 16,8 lần và 1,6 lần. Mặc dù chưa hấp dẫn nhưng với kỳ vọng số lượng doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục gia tăng trong 2 năm tới, cùng triển vọng nâng hạng thị trường trong năm 2025, các công ty chứng khoán sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhờ thanh khoản mở rộng.

Hơn nữa, mức định giá hiện tại đang tiệm cận với hệ số định giá trung bình của 3 năm qua. Điều này cho thấy, mức định giá của các công ty chứng khoán có phần tương đồng với diễn biến thanh khoản giao dịch trên TTCK trong nước.

Ngoài ra, dư địa tham gia của nhóm nhà đầu tư trong nước vẫn tiếp tục gia tăng khi mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp. Nền tảng của ngành ngày càng vững mạnh khi các công ty chứng khoán liên tục huy động thêm nguồn vốn chủ sở hữu mới. Đây là những động lực để thanh khoản thị trường tiếp tục tăng trong thời gian tới. Qua đó, nhiều khả năng mức định giá của ngành chứng khoán còn mở rộng.

Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư có thể xem xét và lựa chọn đầu tư đối với nhóm cổ phiếu có lợi thế về khai thác khách hàng tổ chức để đón đầu dòng vốn ngoại, có nguồn lực mạnh mẽ và đang ở mức định giá hấp dẫn như VCI và HCM.

Đối với nhóm cổ phiếu định giá hấp dẫn nhưng đang gặp khó khăn về việc giữ thị phần như SSI, VND hay nhóm cổ phiếu cỡ trung và có định giá tương đối cao như FTS, BSI, MBS, nhà đầu tư ưu tiên giải ngân tại các nhịp điều chỉnh để đảm bảo lợi suất đầu tư cao.

Hải Giang

Link nguồn: Đầu tư cổ phiếu nào để ‘đón đầu’ dòng vốn ngoại?

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT