Chứng kiến một đại công trường với nhiều điểm khai thác vàng trái phép cùng đội quân phu vàng công khai hoạt động, khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Giữa tháng 6, một nguồn tin cho biết 2 tháng qua, phu vàng tứ xứ tập trung về khu vực thượng nguồn suối Ka Ruông, xã Tà Long (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) để khoét núi, phá suối tìm vàng. Họ thuê dân bản gùi máy móc, hàng hóa vào các mỏ vàng với tiền công rất cao. Ngay lập tức, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm cách kết nối, thuê người dẫn đường để thâm nhập.

Tai mắt khắp nơi

Đầu tháng 7, sau gần nửa tháng kết nối, tạo sự tin tưởng với người dẫn đường khi vào vai nhân viên bảo vệ động vật hoang dã, chúng tôi lên đường tìm vào thôn Pa Ngày, xã Tà Long để tìm cách thọc sâu vào mỏ vàng đang được khai thác trái phép.

Trước đó, qua điện thoại, nguồn tin dặn dò phải vào bản lúc vắng người và không được nấn ná dọc đường. Anh khẳng định tai mắt của chủ mỏ vàng “giăng” từ trung tâm xã Tà Long cho đến bờ suối Ka Ruông. Người lạ mặt chỉ cần xuất hiện ở vùng núi này sẽ lập tức bị theo dõi hành tung. “Và nhớ là, không cho ai biết mình là phóng viên, ngay cả người dẫn đường. Nếu biết là phóng viên thì sẽ khó yên ổn” – nguồn tin khẳng định.

ĐIỀU TRA: Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng - Đại công trường trái phép - Ảnh 1.

Một bưởng vàng nằm bên suối Ka Ruông. Ảnh: HẢI PHONG

Từ Km28, Quốc lộ 15D, đi theo tuyến đường nhựa độc đạo khoảng 10 km là đến thôn Pa Ngày. Khu vực này không có sóng điện thoại với hơn chục nóc nhà dân sinh sống. Từ thôn này, muốn vào khu vực đang diễn ra hoạt động khai thác vàng trái phép chỉ có 2 tuyến đường. Đó là men theo suối Ka Ruông hoặc băng rừng tìm lên thượng nguồn. Cả 2 tuyến đường trên đều phải đi bộ với chiều dài gần 15 km.

“Anh chọn đường nào?” – ông K. (ngụ xã Tà Long), người dẫn đường, nói rồi rít điếu thuốc, chờ câu trả lời. “Đi cả 2 tuyến đường, để tìm động vật được nhiều hơn” – chúng tôi đáp rồi giục ông lên đường sau khi ăn vội bữa cơm trưa. Trời nắng như đổ lửa, những con dốc dựng đứng muốn vắt cạn sức lực của chúng tôi. Sau khi cuốc bộ gần 4 giờ theo đường rừng, cuối cùng cũng chạm suối Ka Ruông. Dọc bờ suối này, bước chân người đi hằn sâu trên cát, dấu vết còn mới toanh.

ĐIỀU TRA: Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng - Đại công trường trái phép - Ảnh 2.

Một khe cạn chảy xuống suối Ka Ruông đục ngầu vì hoạt động khai thác vàng trái phép. Ảnh: HẢI PHONG

Lúc ở thôn Pa Ngày, qua chuyện trò với người dân địa phương thì được biết gần 2 tháng nay, chủ mỏ vàng thông qua người đàn ông tên Th. ở xã Tà Long “tuyển” đội quân gùi vác máy móc vào các mỏ vàng. Tham gia đội quân này tất thảy là người dân bản địa, có cả phụ nữ. Có 4 máy nổ, 2 cối nghiền, 2 cối dập, 2 bình hơi phục vụ việc khai thác vàng đã được đưa vào rừng. Các loại máy móc trên được khoán cho đội quân khuân vác với tiền công từ 2-3 triệu đồng/máy.

Trong đêm xe tải sẽ chở máy móc, dầu nhớt và lương thực, thực phẩm đến bờ suối thôn Pa Ngày. Đến lúc sáng tỏ, đội quân khuân vác sẽ phối hợp, gùi vác vào rừng. Mỗi ký như vậy sẽ được trả 10.000 đồng, ai gùi bao nhiêu thì được trả bấy nhiêu. Khi đưa hàng vào tận bãi sẽ có người thanh toán ngay tiền công.

“Đầu gấu” rình rập

Theo ông K. cùng những người dân cố cựu ở thôn Pa Ngày, đầu những năm 1990 hoạt động khai thác vàng tại khu vực thượng nguồn suối Ka Ruông diễn ra rầm rộ với cả trăm người tham gia. Nhiều đường hầm hun hút, đâm sâu vào bụng núi. Đến nay, nhiều người vẫn khoe với nhau rằng hồi đó mỗi ngày họ làm được cả cây vàng. Tuy nhiên, việc khai thác diễn ra một thời gian thì lực lượng chức năng tiến hành truy quét, đẩy đuổi phu vàng ra khỏi rừng. Nay, việc khai thác lại bùng lên chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nếu không được ngăn chặn kịp thời.

ĐIỀU TRA: Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng - Đại công trường trái phép - Ảnh 3.

Cây rừng bị đốn hạ không thương tiếc dọc theo suối Ka Ruông. Ảnh: HẢI PHONG

Để kịp lộ trình, chúng tôi tạm dừng câu chuyện, theo chân người dẫn đường men theo suối Ka Ruông để tìm lên thượng nguồn. Dọc đường, chúng tôi chứng kiến cảnh hai bên suối bị đào bới nham nhở để đãi vàng sa khoáng. Đi chừng 2 km thì chạm mặt bưởng vàng đầu tiên. Máy định vị GPS cầm tay cho thấy khu vực này thuộc tọa độ E00572170 – N01823036. Tại đây, có đến 4 lán trại mọc lên xung quanh. Đây là nơi ăn uống, ngủ nghỉ của phu vàng và tập kết máy móc. Từ trong lán trại nhìn ra, có thể thấy một hầm khai thác vàng sâu hun hút, ngay bên suối Ka Ruông. Đất đá sau khi đào khoét được đổ ngay xuống suối.

Nhìn thấy chúng tôi, một thanh niên ở trần, xăm trổ kín lưng trong lán liền đi ra hỏi với vẻ mặt không mấy thiện cảm. Sau khi được người dẫn đường giới thiệu chúng tôi là cán bộ khảo sát động vật hoang dã và nhìn vào quần áo chúng tôi đang mặc, người thanh niên mới tin. Tuy nhiên, trước khi chúng tôi rời đi, thanh niên xăm trổ vẫn nhìn chúng tôi bằng ánh mắt không thiện cảm.

ĐIỀU TRA: Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng - Đại công trường trái phép - Ảnh 4.

Phóng viên Báo Người Lao Động đột nhập một hầm vàng thượng nguồn suối Ka Ruông. Ảnh: HẢI PHONG

Đi tiếp chừng 2 km theo suối Ka Ruông, lại thấy một đường hầm khai thác vàng sâu hàng trăm mét, ở lưng chừng núi. Cửa hầm được che bằng bạt và cây rừng. Bên trong đường hầm này có đường ống dẫn ra bên ngoài và một số cuốc xẻng. Cách hầm vàng vài trăm mét ngược lên đỉnh núi, một nhóm phu vàng đang dựng lều trại, máy móc khai thác vàng đã được đưa lên.

Cách đó không xa là một khe cạn từ đỉnh núi cao chảy xuống. Bùn mịn trôi về khiến nước ở khe đục ngầu. Trên cao tiếng máy nổ vang rền. Chỉ dấu này cho thấy ở đỉnh núi đang bị đào xới, tác động. Đang mải ghi lại hình ảnh trên thì 2 phu vàng lăm lăm cây rựa trên tay bất ngờ từ đỉnh núi đi xuống.

Ông K. chợt níu tay tôi, nói vừa đủ nghe: “Đi, về thôn thôi”. Ông lo lắng cũng phải thôi, bởi giữa rừng sâu hoang vắng này, mọi bất trắc, nguy hiểm đều có thể xảy ra nếu để lộ thông tin. Dù thế, đã cất công vào tận đây rồi, không thể bỏ về khi chưa đủ tư liệu, chúng tôi quay sang trấn an: “Tụi em đi khảo sát mà, có gì phải sợ!”…