Khách hàng đổ xăng tại Mỹ
Nỗi lo suy thoái, lạm phát
Theo trang web OilPrice, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 8 giao dịch ở mức 96,9 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent biển Bắc giao dịch ở mức 100 USD/thùng, có thời điểm xuống mức 99 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 11-4 cho đến nay.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến biến động trên thị trường dầu là do chịu ảnh hưởng của đồng USD tăng giá mạnh. Chỉ số đồng USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh với 6 đồng tiền khác trong rổ dự trữ ngoại tệ quốc tế đang tăng mạnh. Đồng USD tăng giá làm giảm nhu cầu do giá dầu sẽ trở nên đắt hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Bên cạnh đó là nỗi lo về cuộc suy thoái tại các nền kinh tế lớn đã tạo sức ép lên giá dầu, ngay cả khi nguồn cung thực tế vẫn khan hiếm. Lời cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong thời gian tới trên toàn cầu một lần nữa khiến tâm lý của giới đầu tư lo ngại. Thông tin Trung Quốc phát hiện ra trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại Thượng Hải có thể dẫn đến một đợt xét nghiệm diện rộng và thành phố này có nguy cơ bị phong tỏa. Điều này cũng làm giảm nhu cầu từ nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Các nhà phân tích tại Công ty EBW Analytics (có trụ sở tại Mỹ, chuyên phân tích và đưa ra dự báo về thị trường khí đốt tự nhiên) cho rằng, thị trường dầu đang đối diện hai xu hướng. Đó là các nguyên tắc cơ bản về vật chất thắt chặt và những lo ngại về nhu cầu trong tương lai. Dầu thô có thể giảm xuống 65 USD/thùng trong năm nay và còn 45USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu suy thoái kinh tế xảy ra. Mặt khác, thị trường vẫn đang lo ngại về kế hoạch của các nước phương Tây nhằm áp trần giá đối với dầu của Nga. Trước thông tin đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo, những biện pháp trừng phạt tăng cường có thể dẫn đến hậu quả “thảm khốc” cho thị trường năng lượng toàn cầu.
Nguồn cung vẫn bị thắt chặt
Diễn biến trên cho thấy, nỗi sợ suy thoái, lạm phát đã vượt qua lo ngại về nguồn cung. Thị trường dầu hạ nhiệt ngay cả khi nguồn cung thực tế vẫn bị thắt chặt. Báo cáo mới nhất của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu) cho rằng, nhu cầu đang tăng nhanh hơn nguồn cung. OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng mạnh hơn nữa vào năm tới nhưng tốc độ chậm hơn một chút so với năm 2022.
Trong báo cáo hàng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023 trong khi nhu cầu năm nay vẫn không thay đổi, ở mức 3,36 triệu thùng/ngày. Mức tiêu thụ dầu mỏ đã tăng trở lại sau khi giảm trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 và dự báo trong năm 2022 sẽ vượt mức tiêu thụ của năm 2019 ngay cả khi giá dầu mỏ tăng cao kỷ lục. Tuy nhiên, biến động của giá dầu thô và đại dịch Covid-19 đã làm giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm nay. Theo OPEC, dự báo trên được đưa ra với giả định cuộc xung đột ở Ukraine không leo thang và những mối đe dọa như lạm phát tăng cao sẽ không gây tác động nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trước đó, ngày 2-6, OPEC và các nước đối tác (OPEC+) đã đồng ý tăng sản lượng trong bối cảnh xung đột ở Ukraine làm khuấy đảo thị trường năng lượng toàn cầu. Cụ thể, OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 648.000 thùng/ngày trong cả tháng 7 và tháng 8. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kết thúc đợt cắt giảm sản lượng lịch sử mà OPEC+ đã thực hiện trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát. Quyết định được OPEC+ đưa ra khi thế giới đang vật lộn với giá năng lượng tăng cao. Các chính phủ, bao gồm Mỹ, đã kêu gọi các nhà sản xuất tăng sản lượng trong nỗ lực kiềm chế tăng giá.