Giá dầu thế giới

Theo Reuters, kết thúc phiên giao dịch ngày 31-7, giá dầu đã tăng lên mức cao mới trong 3 tháng và ghi nhận mức tăng hằng tháng mạnh nhất kể từ tháng 1-2022. Đà leo dốc không ngừng của giá dầu được hỗ trợ bởi các dấu hiệu thắt chặt nguồn cung toàn cầu và nhu cầu gia tăng trong thời gian còn lại của năm.

Giá xăng dầu tiếp tục ghi nhận mức tăng mới dù có những phút lao dốc. Ảnh minh họa: Reuters 
Giá xăng dầu tiếp tục ghi nhận mức tăng mới dù có những phút lao dốc. Ảnh minh họa: Reuters

Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10 được giao dịch tích cực hơn tăng 1,02 USD, tương đương 1,2%, lên mức 85,43 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent tháng 9, hết hạn vào ngày 31-7, tăng 0,7%, lên mức 85,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,22 USD, tương đương 1,5%, lên mức 81,8 USD/thùng.

Cả dầu Brent và dầu WTI đều đạt mức giá cao nhất kể từ cuối tháng 4 trong phiên, sau khi xác lập tuần tăng thứ 5 liên tiếp vào tuần trước.

Reuters cho biết, Saudi Arabia dự kiến sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9. Theo một cuộc khảo sát của Reuters, trong tháng 7, sản lượng của Saudi Arabia giảm 860.000 thùng/ngày, trong khi tổng sản lượng từ OPEC giảm 840.000 thùng/ngày.

Edward Moya, nhà phân tích của OANDA nhận xét giá dầu thô đã kết thúc một tháng tăng mạnh do triển vọng nhu cầu vẫn ấn tượng và không ai nghi ngờ rằng OPEC+ sẽ giữ chặt thị trường này.

Dự trữ dầu cũng bắt đầu giảm ở một số quốc gia, đặc biệt là ở Mỹ. Chính phủ Mỹ đã bắt đầu bổ sung dầu cho kho dự trữ dầu chiến lược vốn đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Theo một số nhà phân tích được Reuters thăm dò, ước tính trung bình tồn kho dầu thô của Mỹ giảm khoảng 900.000 thùng trong tuần tính đến ngày 28-7.

Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group cho biết, việc kết thúc đợt giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược, lo ngại suy thoái kinh tế cũng như tình trạng cạn kiệt thanh khoản do lo ngại liên quan đến ngân hàng khiến thị trường bỏ qua tình trạng siết chặt nguồn cung sắp xảy ra. Flynn nhận xét, tình trạng thâm hụt nguồn cung sắp tới đang trở nên quá lớn đến nỗi không thể bỏ qua.

Goldman Sachs ước tính nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 102,8 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và họ đã điều chỉnh tăng nhu cầu năm 2023 thêm khoảng 550.000 thùng/ngày dựa trên ước tính tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Ấn Độ và Mỹ, bù đắp cho sự sụt giảm tiêu thụ của Trung Quốc.

Thiếu hụt nguồn cung vẫn sẽ là nhân tố thúc đẩy giá xăng dầu tăng. Ảnh minh họa: Reuters 
Thiếu hụt nguồn cung vẫn sẽ là nhân tố thúc đẩy giá xăng dầu tăng. Ảnh minh họa: Reuters

Goldman Sachs cho biết, triển vọng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc và kỳ vọng tăng kích cầu ở quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này đóng vai trò lớn nhất trong đà tăng giá dầu trong tháng 7. Trả lời phỏng vấn CNBC, Jeffrey Currie, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Goldman Sachs, nhận xét tâm lý tiêu cực về sự phục hồi sau Covid của Trung Quốc và nhu cầu dầu mỏ từ đầu năm nay đã chuyển thành quan điểm tích cực về thị trường dầu mỏ từ nay đến hết năm.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1-8 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 21.639 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 22.792 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 19.500 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 19.189 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.725 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều nay. Theo một số doanh nghiệp đầu mối, giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh với mức tăng dao động trong khoảng 1.000-1.400 đồng/lít (kg).