Giá xăng dầu “dậm chân tại chỗ”. Dầu thô Brent “neo” ở mức 95,74 USD/thùng, dầu thô WTI tiến gần đến mốc 90 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, lúc 6 giờ ngày 6-9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent xoay quanh mức 95,74 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ “chững” ở mức 89,1 USD/thùng.
Reuters đưa tin, giá dầu đã tăng khoảng 3% trong phiên giao dịch ngày 5-6 khi các nước thành viên của OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày trong tháng 10 để hỗ trợ giá.
Giá xăng dầu tiếp tục tăng-giảm theo các tiêu đề. Ảnh minh họa: Reuters |
Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 11 tăng 2,72 USD, tương đương 2,92%, lên mức 95,74 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, giá dầu thô Brent có thời điểm đã tăng gần 4 USD. Dầu thô Brent đã rút ngắn khoảng tăng bởi những bình luận từ Nhà Trắng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết thực hiện tất cả các bước cần thiết để tăng cường nguồn cung năng lượng và hạ giá.
Dầu thô WTI của Mỹ cũng tăng 2,23 USD, tương đương 2,57%, lên mức 89,1 USD/thùng.
Tại cuộc họp vào ngày 5-9, OPEC+ đã thống nhất mức giảm 100.000 thùng dầu/ngày, khoảng 0,1% nhu cầu thế giới, trong tháng 10. Nhóm cũng đồng ý có thể nhóm họp bất cứ lúc nào để điều chỉnh sản xuất trước cuộc họp tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5-10.
Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA nhận xét quyết định của OPEC+ là thông điệp mang tính biểu tượng mà nhóm muốn gửi đến các thị trường hơn bất cứ điều gì và răng những gì có thể thấy từ thị trường chính là giá cả vẫn nằm trong kịch bản xấu nhất.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn là nguyên nhân dẫn đến quyết định cắt giảm sản lượng dầu của Moscow và các đồng minh OPEC.
TASS trích lời của Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết Nga có thể sẽ giảm sản lượng khai thác dầu khoảng 2% trong năm nay.
Caroline Bain, nhà kinh tế trưởng phụ trách hàng hóa tại Capital Economics nhận xét, ‘bức tranh lớn hơn’ là OPEC+ đang sản xuất thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu sản lượng và điều này có vẻ không đổi bởi Angola và Nigeria dường như không thể trở khôi phục lại mức sản xuất trước đại dịch.
Giá dầu thô đã giảm sâu so với mức đỉnh gần 140 USD/thùng đạt được hồi tháng 3 do lo ngại các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất và hạn chế Covid-19 tại Trung Quốc có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm nhu cầu dầu.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của phương Tây với Iran đã vấp phải một khó khăn mới. Cuối tuần trước, Nhà Trắng đã bác bỏ lời kêu gọi của Iran về một thỏa thuận có liên quan đến việc dừng các cuộc điều tra của cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc tại nước này.
OPEC+ đã quyết định giảm sản lượng cho tháng 10 để ổn định giá xăng dầu. Ảnh minh họa: Oilprice |
Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Gazprom của Nga cho biết sẽ tiếp tục đóng đường ống khí đốt Nord Stream 1 tới Đức sau bảo dưỡng, nhưng không nêu thời gian mở lại. Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Nhưng từ tháng 7, Nord Stream 1 hoạt động ở mức 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất tối đa, với lý do một số tuabin ngừng hoạt động.
Tháng trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo nhu cầu dầu trong năm vì cơ quan này kỳ vọng việc chuyển đổi sử dụng từ khí sang dầu thô ở một số quốc gia do giá điện và khí đốt tự nhiên tăng kỷ lục.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 6-9 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.359 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.230 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.188 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.445 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.077 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được Liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 5-9 với giá xăng RON95 giảm 439 đồng/lít, giá dầu tăng quanh mốc 1.400 đồng/lít, giá dầu mazut giảm 471 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 23 lần điều chỉnh, trong đó 13 lần tăng, 9 lần giảm và một lần giữ nguyên.