Sau khi cùng “bỏ túi” gần 2 USD, giá dầu thô Brent và WTI trở lại “đối đầu” với WTI giảm nhẹ, Brent “chững” ở mức 96,65 USD/thùng.
Theo Oilprice, lúc 6 giờ ngày 9-8 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 90,46 USD/thùng, giảm 0,30 USD, tương đương 0,33%.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 10 “neo” ở mức 96,65 USD/thùng.
Giá dầu Brent, WTI hôm nay tăng-giảm trái chiều. Ảnh minh họa: Reuters |
Giá “vàng đen” tiếp tục biến động tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần giao dịch mới. Bắt đầu phiên với đà lao dốc do lo ngại suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu năng lượng, giá dầu thô Brent đã bị “đẩy” xuống còn hơn 93 USD/thùng, dầu thô WTI ngày càng lùi xa khỏi mốc 90 USD/thùng.
Mức giảm giá của dầu thô được duy trì khoảng nửa phiên giao dịch. Sau đó, giá dầu đã bật tăng khỏi mức thấp nhất trong nhiều tháng bởi dữ liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc và Mỹ lại “nhen nhóm” hy vọng về nhu cầu bất chấp lo ngại suy thoái vẫn ngày một lớn dần.
Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 10 kết thúc phiên ở mức 96,65 USD/thùng, tăng 1,73 USD, tương đương 1,8%. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,75 USD, tương đương 1,97%, lên mức 90,76 USD/thùng.
Tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều chịu mức “lỗ” hằng tuần lớn nhất kể từ tháng 4-2020. Cả hai hợp đồng đã “vực” lại được một phần khoản lỗ trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần nhờ dữ liệu tăng trưởng việc làm bất ngờ tại nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới Mỹ. Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế Mỹ đã có thêm 528.000 việc làm trong tháng 7, tăng 278 việc làm so với dự đoán của các nhà kinh tế.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC in New York nhận xét, một lần nữa những ảnh hưởng vĩ mô (trong đó bao gồm tăng trưởng việc làm ở Mỹ) lại tác động đến thị trường dầu.
Ngày 7-8, thị trường cũng khá bất ngờ với tin tức từ Trung Quốc cho thấy nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này đã nhập khẩu 8,79 triệu thùng/ngày trong tháng 7, tăng so hồi tháng tháng 6, tuy nhiên vẫn thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ của nước này không giảm.
Tại châu Âu, xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga vẫn tiếp tục tăng trước khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm này sẽ có hiệu lực vào ngày 5-12.
Giá dầu được dự báo vẫn sẽ tăng trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Bloomberg |
Trước thực tế nhu cầu xăng dầu của Mỹ thấp hơn và chiến lược “Không COVID” của Trung Quốc thúc đẩy sự phục hồi, ngân hàng ANZ đã điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu dầu cho năm 2022 và 2023 lần lượt là 300.000 thùng/ngày và 500.000 thùng/ngày.
Theo ANZ, nhu cầu dầu cho năm nay hiện ước tính tăng 1,8 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức 99,7 triệu thùng/ngày.
Goldman Sachs cũng đã cắt giảm dự báo giá dầu thô Brent cho quý này xuống còn 110 USD/thùng. Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư này vẫn tin tưởng giá dầu tăng trong thời gian tới.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 9-8 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 24.629 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 25.608 đồng/lít; dầu diesel không quá 23.908 đồng/lít; dầu hỏa không quá 24.533 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.