Chịu áp lực từ những chính sách thương mại của Nhà Trắng, tỷ giá USD/VND đã liên tục dâng cao trong thời gian qua. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đang chủ động tìm giải pháp để ứng phó.
Sau 8 phiên chịu áp lực tăng giá mạnh, cuối cùng thì tỷ giá cũng đã có phiên giảm vào ngày thứ 6 -14/2, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng ở mức 24.562 VND/USD, giảm 10 đồng so với niêm yết phiên liền trước. Trước đó, tỷ giá trung tâm đã có 8 phiên tăng liên tục với tổng mức điều chỉnh lên tới gần 150 đồng. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá sàn hiện là 23.334 VND/USD, tỷ giá trần là 25.790 VND/USD.

Dù có phiên hạ nhiệt, song các chuyên gia đều nhận định thách thức đối với tỷ giá USD/VND vẫn còn khi cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD trong thời gian tới. “Những rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan của ông Trump sẽ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD. Do đó, rủi ro tỷ giá vẫn sẽ cần được chú ý trong thời gian tới”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Chứng khoán MB (MBS) nhận định.
Đưa ra con số cụ thể, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) có góc nhìn thận trọng khi nhận định tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong biên độ +/-5% tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có dự trữ ngoại hối, cung – cầu ngoại tệ trong nước và chính sách thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam. VDSC nêu kịch bản cơ sở, trong đó tỷ giá cuối năm 2025 có thể ở mức 26.200 VND/USD nếu các yếu tố vĩ mô diễn biến theo kỳ vọng.
Trong khi đó, có góc nhìn lạc quan hơn, các chuyên gia của VCBS dự báo, tỷ giá VND/USD sẽ biến động trong khoảng 3% cho cả năm 2025, đồng thời kỳ vọng lãi suất huy động ổn định đi ngang và lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp. VCBS nhận định, thị trường ngoại hối trong năm 2025 có thể ghi nhận những yếu tố tích cực nhờ vào xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho dòng tiền đầu tư vào những quốc gia có nền kinh tế vĩ mô ổn định, trong đó có Việt Nam.
Về mặt lý thuyết, tỷ giá USD tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khi bán được gia cao hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, lợi ích này đang bị hạn chế bởi chi phí nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa tăng cao, ngoài ra, còn có phí vận chuyển logistics… cũng bị đội lên. Dĩ nhiên, chi phí cao vì tỷ giá tăng cũng là câu chuyện đau đầu của các doanh nghiệp nhập khẩu lớn. Điều này cũng xảy ra tương tự với những doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính lớn từ vốn vay ngoại tệ, vì tỷ giá tăng là bài toàn cân não khi cân đối giữa chi phí và lợi nhuận.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay, cứ tỷ giá tăng 1% thì chi phí của Tổng công ty tăng thêm 300 tỷ đồng. Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này hiện tại là 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc chi phí của Tập đoàn tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến nghị, để tránh những tác động tiêu cực của biến động tỷ giá tới hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần phải làm tốt hơn công tác dự báo cũng như tham gia vào các công cụ về phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm đối tác thay thế trong nước, giảm dần sự phục thuộc vào thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro khi thị trường thế giới biến động.
Để ứng phó với biến động tỷ giá, một số doanh nghiệp đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro để có lợi nhất và giảm thiểu tác động bất thường đến lợi nhuận. Chẳng hạn, năm 2024, trước biến động của tỷ giá, FPT đã mở rộng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đồng thời thực hiện vay nợ bằng đồng yên. Phần nguồn thu giảm do đồng yên mất giá được bù lại bằng lãi chênh lệch tỷ giá liên quan đến khoản vay.
Đồng thời, các năm qua, FPT cũng thực hiện phòng ngừa rủi ro toàn bộ đối với khoản vay bằng USD. Hay tại Tổng công ty Phát điện 3 – có khoản nợ vay bằng ngoại tệ lớn, lãnh đạo ở đây cho biết cho biết trong năm qua, Tổng công ty thực hiện tái cấu trúc một phần khoản vay Dự án Nhà máy điện Mông Dương 1, với giá trị 81,5 triệu USD bằng vốn vay thương mại trong nước. Việc thực hiện cấu trúc lại nợ đã góp phần tiết giảm chi phí tài chính cả năm…
Dù có phương án chủ động ứng phó, song để môi trường kinh doanh thuận lợi, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có những điều tiết sao cho tỷ giá không biến động nhiều. Phía NHNN, định hướng điều hành chính sách tỷ giá năm 2025, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. NHNN nhấn mạnh đến việc điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Hà An
Link nguồn: https://cand.com.vn/thi-truong/giai-phap-ung-pho-voi-bien-dong-ty-gia-i759298/