Sắp kết thúc năm, chặng đường ngắn nhưng không ai đi chậm. Các ngân hàng trung ương Mỹ, Nhật Bản và Anh sẽ họp, trong khi Đức bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ.
Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 16-20/12/2024:
1/ FED HẠ LÃI SUẤT, SAU ĐÓ SẼ LÀM GÌ?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ bằng việc cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) vào thứ Tư tới (18/12), đây sẽ là lần cắt giảm thứ ba liên tiếp, sau khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng mới nhất tăng đúng như dự đoán của các nhà kinh tế.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư không kỳ vọng nhiều vào việc Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong năm tới. Hiện tại, các nhà giao dịch kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ giảm xuống còn khoảng 3,7% vào cuối năm 2025 từ mức hiện tại là 4,5%-4,75%. Con số 3,7% là cao hơn khoảng 90 điểm cơ bản so với kỳ vọng hồi tháng 9.
Với việc kỳ vọng thay đổi như vậy, thị trường sẽ tập trung vào các dự báo về lãi suất của Fed và bất kỳ thông tin chi tiết nào từ Chủ tịch Jerome Powell về chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed trong tương lai. Ông Powell gần đây đã nói rằng nền kinh tế Mỹ hiện mạnh hơn so với dự đoán của Fed vào tháng 9 và điều đó có lẽ báo hiệu ông sẽ ủng hộ việc giảm tốc độ hạ lãi suất trong tương lai.
Diễn biễn lạm phát của Mỹ và lãi suất của Fed.
2/ BOJ SẼ TĂNG LÃI SUẤT?
Dự đoán về chính sách của BOJ đã dao động mạnh trong hai tuần qua, khiến các nhà giao dịch bối rối.
Nhưng khi ngày 19/12 đang đến gần, tín hiệu đang trở nên rõ ràng hơn – ngay cả khi kết quả vẫn chưa chắc chắn.
Reuters mới đây đưa tin các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đang nghiêng về việc tạm dừng tăng lãi suất, chờ thêm dữ liệu về tiền lương và về các chính sách rõ ràng hơn của Donald Trump trước khi BOJ tăng lãi suất lần thứ ba.
Bloomberg cũng đưa tin rằng các quan chức BOJ thấy “có một chút tổn thất” từ việc trì hoãn thắt chặt thêm lãi suất.
Không còn nghi ngờ gì nữa, quyết định của BOJ đã có hiệu lực, nghĩa là thị trường có thể sẽ biến động mạnh. Một yếu tố rủi ro nếu xảy ra sẽ có tác động đến quyết định của BOJ, đó là Fed có thể sẽ không cắt giảm lãi suất vào ngày 18/12, khiến tỷ giá đồng USD/yên Nhật tăng vọt.
Nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng Fed sẽ rất hiếm khi đi ngược lại xu hướng nới lỏng khi mà thị trường đang rất tin tưởng về việc cắt giảm lãi suất.
Tỷ giá USD/JPY và lãi suất của BOJ.
3/ CỔ PHIẾU ĐỨC TĂNG BẤT THƯỜNG
Chỉ số chứng khoán DAX của Đức là chỉ số có hiệu suất tốt nhất châu Âu trong năm nay, tăng 22%, liên tiếp lập các mức cao kỷ lục.
Cổ phiếu quốc phòng, công nghệ và xây dựng tăng mạnh đã bù đắp cho cổ phiếu của ngành ô tô tăng chậm. Các công ty Đức dường như đang tăng trưởng chậm chạp và kịch tính do ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị. Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ vào ngày 16/2 sẽ mở đường cho một cuộc bầu cử bất thường vào tháng 2 năm sau.
Nhưng vấn đề nằm ở chi tiết các thành phần của DAX. Goldman Sachs cho biết chỉ có 18% doanh số DAX đến từ Đức so với 33% của các công ty thuộc MDAX (chỉ số chứng khoán của các công ty có vốn hóa tầm cỡ trung bình), giảm 1,1% trong năm nay. Thu nhập của các công ty Đức trong quý 3 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng trưởng 8,2% đối với thu nhập của STOXX, dựa trên dữ liệu của LSEG.
Cổ phiếu Đức có thể bắt đầu tăng chậm lại do phản ánh thực trạng kinh tế và chính trị ở nước này. C
Diễn biến c hứng khoán Đức.
4/ BOE CỦA ANH SẼ GÂY BẤT NGỜ?
Khi nói đến việc cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Anh (BoE) được xếp vào những nước giảm chậm.
Các nhà giao dịch dự đoán BoE sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 4,75% vào thứ Năm tới (19/12), chỉ thấp hơn 50 điểm cơ bản so với mức cao nhất 16 năm và có thể phải đến tháng 2/2025 mới hạ lãi suất 25 điểm cơ bản lần thứ 3 của chu kỳ giảm này.
Việc tăng thuế của người sử dụng lao động trong ngân sách tháng 10 của chính phủ đảng Lao động đã khiến các doanh nghiệp lớn phải đưa ra cảnh báo về việc giá cả tăng, làm gia tăng lo ngại về lạm phát và giúp đẩy đồng bảng Anh lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi so với đồng euro, khi mà ECB nới lỏng chính sách nhanh hơn BoE.
Nhưng thị trường trái phiếu đang đặt phản ứng với sự phân kỳ này, với lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn hai năm, thường biến động theo dự báo lãi suất, giảm xuống còn khoảng 4,38% từ mức hơn 4,5% của tháng trước.
Tăng trưởng việc làm tại Anh đang chậm lại do thuế tăng cản trở kế hoạch tuyển dụng và niềm tin của người tiêu dùng yếu. Những người lạc quan về đồng bảng Anh nên chú ý đến việc BoE chuyển hướng chính sách tiền tệ.
Diễn biến lạm phát ở Anh và lãi suất của BoE.
5/ CHỈ SỐ PMI TOÀN CẦU SẼ GIẢM?
Ngành dịch vụ, từng tăng trưởng mạnh mẽ ở khắp các nền kinh tế lớn, đang chững lại, kết thúc giai đoạn khác biệt khi ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh trong khi hoạt động sản xuất trì trệ.
Đó là những gì nhìn thấy từ dữ liệu PMI tháng 11 của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Các số liệu PMI tháng 12 trển toàn cầu sẽ được công bố vào tuần tới.
Chỉ số PMI tổng hợp tháng 11 của khu vực đồng euro, được coi là thước đo sức khỏe kinh tế nói chung, đã giảm xuống còn 48,3 từ mức 50,0 của tháng 10. PMI tổng hợp của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm, là 50,9 – chỉ cao hơn một chút so với mốc phân biệt giữa suy giảm và tăng trưởng. Ngay cả hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ cũng chậm lại.
Mối lo ngại về thuế quan của Mỹ và các cuộc xung đột chính trị ở Pháp và Đức có khả năng gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh không chỉ ở những nền kinh tế này mà còn ảnh hưởng lây lan ra thế giới.
Đối với một số nhà quan sát, dữ liệu PMI vẽ nên một bức tranh quá bi quan về hoạt động cơ bản.
Chỉ số PMI tổng hợp của các nền kinh tế lớn.