Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Ông trùm ngân hàng Jamie Dimon: Fed đang mất kiểm soát với lạm phát

Ngày 23/02, CEO JPMorgan Jamie Dimon cho biết Fed vẫn đang trong quá trình kiểm soát lạm phát, đồng thời lưu ý nền kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy dấu hiệu khỏe mạnh.

“Tôi rất tôn trọng Chủ tịch Fed Jerome Powell, nhưng sự thật là chúng ta đã mất đôi chút sự kiểm soát với lạm phát”, ông Dimon cho biết trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “Halftime Report” của CNBC.

CEO JPMorgan Jamie Dimon

Nhận định của ông Dimon được đưa ra sau khi Fed công bố biên bản họp tháng 1/2023. Trong biên bản này, các quan chức Fed thể hiện quyết tâm chống lạm phát.

“Các thành viên lưu ý dữ liệu lạm phát trong 3 tháng qua cho thấy sự hạ nhiệt đáng hoan nghênh của lạm phát, nhưng nhấn mạnh rằng cần có thêm bằng chứng về sự hạ nhiệt của giá cả trên diện rộng hơn để Fed tự tin rằng lạm phát đang trên đà giảm bền vững”, trích từ biên bản họp.

Ông Dimon kỳ vọng lãi suất có thể ở mức cao hơn trong khoảng thời gian dài hơn vì Fed cần thời gian để kéo lạm phát về 2%.

Ngay cả như thế, vị CEO JPMorgan cho biết vẫn chưa có dấu hiệu suy thoái khi các dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn khỏe mạnh.

“Kinh tế Mỹ hiện đang rất ổn. Người tiêu dùng vẫn còn rất nhiều tiền và vẫn chi tiêu. Việc làm vẫn dồi dào”, ông Dimon cho biết. “Đó là thông tin của ngày hôm nay. Nhìn về phía trước, vẫn còn nhiều điều đáng sợ. Bạn và tôi đều biết sẽ luôn luôn có sự bất ổn. Đó là điều bình thường trong cuộc sống”.

Những nhận định trên trái ngược với những nhận định trước đây của ông Dimon trong tháng 10/2022. Vào thời điểm đó, ông cho biết nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong 6-9 tháng tới. Trong tháng 12/2022, ông cho biết lạm phát cao sẽ bào mòn túi tiền của người tiêu dùng, từ đó dẫn tới suy thoái trong năm nay.

Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất

Sau cuộc họp tháng 1, các quan chức Fed nhấn mạnh cần phải cảnh giác cao, dù cho rằng dữ liệu lạm phát gần đây thật đáng khích lệ.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC vào ngày 22/02, ông Bullard lặp lại quan điểm rằng nâng lãi suất càng nhanh càng hiệu quả. Song, ngay cả khi ủng hộ ra tay quyết liệt hơn, nhưng ông nghĩ mức đỉnh lãi suất nên ở quanh mức 5.375%.

Dữ liệu kinh tế tháng 1/2023 cho thấy lạm phát tăng chậm hơn so với mức đỉnh của mùa hè năm 2022, nhưng vẫn còn cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0.5% so với tháng 12/2022 và tnăg 6.4% so với cùng kỳ. Chỉ số giá sản xuất (PP) tăng 0.7% so với tháng trước và 6% so với cùng kỳ. Cả hai chỉ số này đều tăng vượt kỳ vọng của Phố Wall.

Thị trường lao động vẫn tăng nóng. Điều này cho thấy tác động của các đợt nâng lãi suất của Fed đã thể hiện rõ trên thị trường nhà ở và một số lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất, nhưng chưa lan khắp nền kinh tế.

Bất chấp những nhận định diều hâu hơn từ bà Mester và ông Bullard, thị trường vẫn cược nhiều hơn vào khả năng tăng thêm 0.25 điểm phần trăm vào tháng 3, sau đó là một vài đợt tăng nữa để đưa lãi suất của Fed lên 5.25 -5.5%, mức cao nhất kể từ năm 2001.

Thị trường tỏ ra lo ngại nếu Fed hành động quá nhanh và quá mạnh, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái.

Biên bản lưu ý “một số” thành viên cho rằng nguy cơ suy thoái đang “cao”. Trong khi đó, các quan chức khác nghĩ rằng Fed có thể tránh được suy thoái kinh tế và đạt được “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ.

“Các thành viên nhận thấy sự không chắc chắn xoay quanh triển vọng về hoạt động kinh tế, thị trường lao động và lạm phát là khá cao”, trích từ biên bản họp.

Nằm trong số các rủi ro đáng lo ngại là chiến tranh ở Ukraine, việc mở cửa kinh tế trở lại ở Trung Quốc và khả năng thị trường lao động có thể bị thắt chặt hơn trong thời gian dài hơn dự kiến.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT