Thứ tư, Tháng Một 22, 2025

Thị trường có mức chiết khấu lớn: Lọc cơ hội

So với vùng đỉnh, nhiều cổ phiếu đang có mức chiết khấu giá sâu, định giá ở mức hấp dẫn.

P/E ở mức thấp

Chỉ số thị giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần (P/E) thường được sử dụng để đánh giá mức độ đắt hay rẻ của cổ phiếu nói riêng, toàn thị trường chứng khoán nói chung. Chỉ số VN-Index gần đây giao dịch ở mức P/E trượt 12 tháng gần nhất là 12 lần, thấp hơn khoảng 25% so với mức đỉnh kể từ đầu năm 2022 đến nay và thấp hơn 22% so với mức trung bình 5 năm.

Định giá thị trường chứng khoán trong tương quan với môi trường lãi suất tăng, Công ty Chứng khoán VNDirect đã sử dụng phương pháp định giá lợi suất thu nhập thị trường (E/P). Đây là sự nghịch đảo của phương pháp P/E nhằm phản ánh lợi suất đầu tư vào cổ phiếu.

“Muốn biết đầu tư vào thị trường chứng khoán còn có hấp dẫn hay không, chúng tôi so sánh E/P với lợi tức đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc tiền gửi ngân hàng. Ở thị trường Việt Nam, tôi cho rằng, so sánh với lãi suất tiền gửi là hợp lý”, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích VNDirect chia sẻ.

“Phương pháp này rất hữu ích khi xuất hiện lo ngại về lãi suất tăng và giúp nhà đầu tư tối ưu phân bổ tài sản. Thực tế, chênh lệch giữa lợi suất thu nhập của thị trường Việt Nam và lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng thương mại dần gia tăng. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán có thể đang bị định giá thấp”, bà Hiền nói.

Nhìn lại quý II/2022, VN-Index có những phiên giảm điểm sâu. Trong tháng 5, chỉ số có nhịp hồi phục khi kiểm tra lại ngưỡng 1.300 điểm. Tuy nhiên, sang tháng 6, thị trường quay trở lại xu hướng giảm, đóng cửa phiên 6/7 dưới mức 1.155 điểm, giảm khoảng 25% so với 3 tháng trước đó (VN-Index trên 1.520 điểm).

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán BIDV cho biết, P/E của VN-Index đang đứng ở vị trí thứ 5 châu Á xét về mức độ hấp dẫn, còn P/E của HNX-Index xếp thứ 11.

Việc so sánh tương quan P/E giữa các thị trường trong khu vực cần quan tâm đến tình hình nội tại, yếu tố rủi ro của mỗi quốc gia. Xét bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế Việt Nam có đà hồi phục mạnh mẽ khi GDP quý II/2022 tăng 7,72%, tính chung 6 tháng đầu năm nay tăng 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn ở trong tầm kiểm soát khi CPI trung bình 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ. Các số liệu này cho thấy sự ổn định của nền kinh tế trong bức tranh đầy biến động trên thế giới.

Lọc cơ hội

So với vùng đỉnh, nhiều cổ phiếu đang có mức giá giảm sâu, được ông Dương Văn Chung, Giám đốc Công ty Chứng khoán MB chia thành 2 nhóm chính. Thứ nhất là nhóm cổ phiếu chuyển động theo thị trường, chủ yếu là ngân hàng, chứng khoán, thép, hiện có mức giảm khoảng 70% so với vùng đỉnh (giảm mạnh từ cuối tháng 3). Thứ hai là nhóm bluechips cơ bản, giá giảm khoảng 30% so với cùng đỉnh (giảm mạnh nhất từ đầu tháng 6 đến nay).

Theo ông Chung, khi thị trường bước vào xu hướng giảm thì chỉ có khoảng 5% số cổ phiếu có thể đi ngược dòng, xác suất chọn đúng rất thấp. Tuy nhiên, sau đợt lao dốc thì thời điểm này có thể mua tích lũy, ưu tiên cổ phiếu ngành chứng khoán (SSI, HCM, VCI…) và thép (HPG, HSG…), bởi có mức chiết khấu lớn, thị giá trên giá trị sổ sách (P/B) thấp, dưới 1,5 lần, thậm chí dưới 1 lần.

Bên cạnh đó, cổ phiếu thuộc các ngành có tính chất phòng thủ như tiện ích, công nghệ thông tin, tiêu dùng và cổ phiếu của doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khả quan cũng đáng quan tâm đầu tư.

Ông Chung cho rằng, ở thời điểm hiện tại, dòng tiền thông minh sẽ không sử dụng con số lợi nhuận dự báo để ra quyết định giao dịch cổ phiếu, tức là không sử dụng dự báo về lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) hay P/E, mà chủ yếu sử dụng hệ số P/B.

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT