Số tiền top 10 các ngân hàng gửi tiền nhiều nhất tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm một nửa sau 9 tháng – dấu hiệu cho thấy giai đoạn dòng tiền dễ đã đi qua.
Nội dung chính:
- Số tiền top 10 các ngân hàng gửi tiền nhiều nhất tại NHNN đã giảm một nửa sau 9 tháng.
- Giảm số tiền gửi tại NHNN cho thấy các ngân hàng thương mại đang huy động nguồn tiền tối đa để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Cuối năm 2021, lượng tiền Ngân hàng ACB gửi vào NHNN ở mức 32.350 tỷ đồng. Sau 9 tháng, số tiền này giảm 77,5%, xuống còn 7.286 tỷ đồng. Tuy vậy, ACB vẫn nằm trong top 10 ngân hàng có số tiền gửi vào NHNN cao nhất.
Giá trị tiền gửi vào NHNN của top 10 ngân hàng tại thời điểm cuối quý III/2022 đã giảm gần một nửa so với cuối năm 2021. BIDV, ngân hàng có số tiền gửi tại NHNN cao nhất, cũng đã giảm 34,6% lượng tiền gửi.
Danh sách này đã thiếu vắng hai tên tuổi có mặt trong top 10 vào cuối năm 2021, là Agribank (148.144 tỷ đồng) và HSBC Việt Nam (17.256 tỷ đồng) do hai ngân hàng này không công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm.
Top 10 ngân hàng có số tiền gửi tại NHNN nhiều nhất tại thời điểm cuối quý III/2022 (đơn vị: tỷ đồng)
Việc gửi tiền tại NHNN là quy định bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, nhằm đảm bảo tính thanh khoản. Tỷ lệ khoản tiền gửi này so với các khoản tiền khách hàng gửi tại ngân hàng thương mại, được gọi là tỷ lệ dự trữ. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là tỷ lệ tối thiểu mà NHNN quy định với từng loại tiền gửi khách hàng. Quy định về tiền gửi bắt buộc nhằm đảm bảo tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại, đảm bảo khả năng thanh toán khi khách hàng muốn rút tiền. Tùy tình trạng nguồn vốn, các ngân hàng có thể gửi nhiều hơn tỷ lệ dự trữ bắt buộc do NHNN quy định.
Giảm tiền gửi để đáp ứng nhu cầu tăng cao
“Các ngân hàng đã rút tiền gửi tại NHNN để lấy tiền về kinh doanh trong bối cảnh thanh khoản đang chặt” – ông Quản Trọng Thành – Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank nhận định. Trước đây, khi thanh khoản còn dư dả, các ngân hàng có thể duy trì khoản tiền gửi cao hơn dự trữ bắt buộc để thực hiện các giao dịch với NHNN. “Các doanh nghiệp, kể cả ngân hàng đều đang phải lo đảm bảo thanh khoản cho các nhu cầu ngắn hạn. Do đó họ phải gom tiền từ bất kỳ nguồn nào có thể” – Ông Thành cho biết.
Sự kiện thanh lọc thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn ra trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại khi cần huy động vốn qua kênh này. Hầu hết các nhu cầu vốn lại đổ về ngân hàng, đẩy lãi suất cho vay lẫn huy động tiếp tục tăng.
Nhu cầu về tiền mặt của các doanh nghiệp tiếp tục gây sức ép lên hệ thống ngân hàng thương mại, khiến các ngân hàng phải ra sức thu hút các khoản tiền gửi từ khách hàng, đồng thời hạn chế đến mức tối thiểu mức tiền gửi tại NHNN.
Lãi suất huy động tiền gửi khách hàng đã không ngừng tăng lên trong vòng hơn một tháng trở lại đây, thậm chí có lúc vượt ngưỡng 10%/năm. Lãi suất tăng thể hiện tình trạng “khát vốn” của các ngân hàng và của các doanh nghiệp – khách hàng của các nhà băng.
NHNN trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vẫn phải tăng lãi suất điều hành tới hai lần chỉ trong vòng 1 tháng. Các chuyên gia phân tích Chứng khoán Rồng Việt nhận định NHNN có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong hai tháng cuối năm nhằm giảm bớt áp lực tỷ giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chưa có dấu hiệu ngừng tăng lãi suất.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của các ngân hàng (đơn vị: tỷ đồng)
Mặc dù kinh doanh trong bối cảnh khó khăn về thanh khoản, tất cả các ngân hàng thuộc top 10 gửi tiền tại NHNN nhiều nhất, vẫn tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá tốc độ tăng lãi suất của các ngân hàng trong thời gian qua có thể khiến nguồn thu nhập từ lãi vay của các ngân hàng gặp nhiều trở ngại. Do đó, kết quả kinh doanh quý IV/2022 sẽ chịu nhiều sức ép giảm tốc.
Nguồn: https://markettimes.vn/tien-ngan-hang-thuong-mai-gui-vao-ngan-hang-nha-nuoc-giam-mot-nua-sau-9-thang-8564.html