Năm 2024, bức tranh kinh tế toàn cầu và trong nước đều phản ánh những thay đổi đáng chú ý, từ sự điều chỉnh chính sách lãi suất đến những cải cách pháp lý hỗ trợ thị trường. Nhà đầu tư đối mặt với hàng loạt thách thức nhưng cũng được trao cơ hội mới để tái cấu trúc danh mục và tối ưu hóa mức sinh lời. Bài viết này đánh giá hiệu quả sinh lời của các kênh đầu tư trong năm 2024, đồng thời dự báo triển vọng của từng lớp tài sản trong năm 2025.
Năm 2024 chứng kiến sự biến động mạnh mẽ của các kênh đầu tư, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ môi trường kinh tế toàn cầu và chính sách vĩ mô trong nước. Sự thay đổi trong chính sách lãi suất, xu hướng dòng vốn quốc tế, và những cải cách pháp lý quan trọng đã tạo nên một bức tranh đầu tư đa chiều. Các nhà đầu tư đối mặt với những thách thức từ lạm phát, tăng trưởng kinh tế không đồng đều và sự cạnh tranh gay gắt trên các thị trường tài chính.
Nhìn vào những diễn biến này, triển vọng của từng loại tài sản mà nhà đầu tư trong nước có thể tiếp cận đã diễn biến rất khó lường. Từ cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, đến các kênh đầu tư mới như crypto, mỗi lựa chọn đầu tư đều mang lại cơ hội và rủi ro riêng. Những kênh đầu tư có mức độ rủi ro cao như vàng hay tiền số lại có một năm tăng trưởng rất tốt so với các kênh đầu tư truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu. Do đó, sự cân nhắc kỹ lưỡng và chiến lược đúng đắn để tối ưu hóa danh mục đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế nguy cơ trong môi trường kinh tế biến động.
Hiệu quả sinh lời các kênh đầu tư năm 2024
Mức sinh lời trong năm thể hiện mức độ phân hóa lớn giữa các lớp tài sản. Tính đến hết năm thì thị trường cổ phiếu đạt mức tăng trưởng khoảng 12% trong khi các trái phiếu doanh nghiệp hồi phục với lợi suất trung bình 9-10% nhưng với quy mô phát hành thấp. Vàng và tiền số tiếp tục là những kênh đầu tư nhiều biến động mạnh nhưng lại mang lại mức sinh lời rất tốt cho nhà đầu tư trong những năm qua. Việc tiền đồng bị mất giá đáng kể so với USD trong năm cũng khiến các kênh đầu tư trong nước gặp nhiều bất lợi dưới góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ giá dù giảm mạnh nhưng dự trữ ngoại hối cũng đã phải thất thoát một lượng đáng kể và năm 2024 tiếp tục thiết lập các kỷ lục về mức bán ròng của các nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán.
Dưới đây là phân tích chi tiết từng lớp tài sản:
Cổ phiếu: Thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 đã trải qua giai đoạn tích lũy trong biên độ VN-Index từ 1,100-1,300 điểm, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các biến động toàn cầu và nội địa. Mặc dù vậy, chỉ số VN-Index vẫn tăng trưởng 12% so với đầu năm, với nhiều cổ phiếu ngành công nghệ và ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tốt, từ đó là động lực thúc đẩy cho thị trường. Nổi bật nhất là nhóm ngành công nghệ, được hỗ trợ bởi các chính sách ưu tiên phát triển chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI). Các doanh nghiệp như FPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 25%, trở thành điểm sáng của thị trường.
Trái phiếu: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 đã có sự hồi phục nhẹ, với lợi suất trung bình đạt 9-10%. Các doanh nghiệp bất động sản lớn như Novaland và Vingroup đã thành công trong việc phát hành trái phiếu, nhờ vào các chính sách tháo gỡ pháp lý và sự hỗ trợ từ Chính phủ. Trái phiếu Chính phủ vẫn giữ mức lãi suất ổn định với 4.5%, tiếp tục là lựa chọn hàng đầu cho nhà đầu tư thận trọng.
Bất động sản: Thị trường bất động sản gặp khó khăn trong nửa đầu năm 2024 do các vấn đề pháp lý và thanh khoản. Tuy nhiên, việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi đã mở ra cơ hội mới, giúp thị trường phục hồi dần vào quý 3. Bất động sản công nghiệp và nhà ở xã hội là hai phân khúc ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, với tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt trên 80%.
Tiền gửi: Lãi suất tiền gửi giảm xuống mức 4-5% đã làm suy giảm sức hút của kênh đầu tư này. Tuy nhiên, với những cá nhân ưu tiên an toàn và thanh khoản, tiền gửi vẫn là một lựa chọn phổ biến. Theo thống kê, tổng mức tiền gửi tại các ngân hàng tăng chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, trong đó tiền gửi có kỳ hạn chịu sức ép rút ra từ người dân khi mức lãi suất kém hấp dẫn.
Triển vọng sinh lời của các lớp tài sản năm 2025
Năm 2025 hứa hẹn một bức tranh đầu tư lạc quan hơn, với nền kinh tế toàn cầu và trong nước bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ. Các chuyên gia nhận định rằng cổ phiếu sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường nhờ sự hấp dẫn từ việc nâng hạng thị trường, trong khi trái phiếu và vàng sẽ củng cố vị thế là các tài sản phòng thủ trong danh mục đầu tư.
Cổ phiếu: VN-Index được kỳ vọng đạt mức 1,300-1,500 điểm, nhờ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Ngành công nghệ, tiêu dùng và năng lượng tái tạo tiếp tục là các động lực chính, thu hút dòng vốn quốc tế và gia tăng thanh khoản. Trong khi đó, ngành ngân hàng tiếp tục được dự kiến là trụ cột tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng trưởng tín dụng cao vừa được NHNN đưa ra.
Đáng chú ý, việc Việt Nam có thể được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 sẽ là cú hích lớn, tăng khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài, đặc biệt từ các quỹ chỉ đầu tư vào các thị trường phát triển.
Trái phiếu: Trái phiếu doanh nghiệp sẽ bứt phá mạnh nhờ các cải cách pháp lý và nhu cầu huy động vốn tăng cao. Dự kiến, lợi suất trái phiếu tiếp tục duy trì ở mức 9-10% như năm ngoái, cao hơn so với tiền gửi vốn cũng trong xu hướng tăng, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân.
Việc cải thiện tính minh bạch, thanh khoản và cơ sở hạ tầng pháp lý sẽ là nền tảng quan trọng để thị trường trái phiếu Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế, khẳng định vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu.
Vàng: Vàng có khả năng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng giá nhờ bối cảnh bất ổn địa chính trị và các yếu tố vĩ mô như tỷ giá và lạm phát. Giá vàng trong nước dự kiến biến động đồng pha với thế giới, duy trì mức ổn định và tiếp tục là lựa chọn an toàn cho các nhà đầu tư.
Việc xuất hiện của ông Donald Trump khiến bức tranh đầu tư toàn cầu thêm biến động. Việt Nam với tư cách là quốc gia có mức độ hội nhập kinh tế sâu rộng sẽ chịu những tác động rất đáng kể. Dựa trên định hướng hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ từ Chính phủ thì các kênh tài sản tài chính sẽ được kỳ vọng có một nền tảng vĩ mô trong nước để hỗ trợ, từ đó kỳ vọng tạo được mức sinh lời tốt hơn cho danh mục đầu tư của các nhà đầu tư.
Lê Hoài Ân, CFA
Link nguồn: https://fili.vn/2025/01/trien-vong-sinh-loi-cua-cac-lop-tai-san-nam-2025-830-1259647.htm