Hàng loạt cổ phiếu bất động sản lao dốc trong tuần giao dịch từ 9 – 13/5 trước biến động tiêu cực của thị trường chứng khoán nói chung.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục biến động theo chiều hướng tiêu cực trong tuần giao dịch từ 9 – 13/5. VN-Index có tuần giảm thứ 10 liên tiếp, đây cũng là chuỗi giảm điểm dài nhất của chỉ số này kể từ cuối năm 2011.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 146,49 điểm (-11%) xuống 1.182,77 điểm, HNX-Index giảm 41,07 điểm (-12%) xuống 302,39 điểm, UPCoM-Index giảm 8,27 điểm (-8,12%) xuống 93,61 điểm. Do tuần từ 2 – 6/5 chỉ có 3 phiên giao dịch nên giá trị giao dịch trên HoSE ở tuần vừa qua tăng 79,9% với 84.217 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 92,9% lên 3,1 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 70,7% so với tuần trước đó với 8.289 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 93% lên 406 triệu cổ phiếu.
Thị trường giảm điểm trong 3/5 phiên giao dịch với mức giảm rất mạnh và hồi phục nhẹ trong hai phiên giao dịch còn lại vào thứ Ba và thứ Tư.
Hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu đều biến động theo chiều hướng tiêu cực và giảm giá. Trong đó, nhóm bất động sản tiếp tục ghi nhận hàng loạt cổ phiếu giảm sâu.
Thống kê 123 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán trong tuần từ 9 – 13/5 có đến 107 mã giảm giá, trong khi chỉ có vỏn vẹn 8 mã tăng.
Cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc về PLA của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng dầu với mức giảm 27,9% chỉ sau một tuần giao dịch. Thanh khoản của PLA trong tuần giao dịch vừa qua là khá khiêm tốn với khối lượng khớp lệnh bình quân là 13.340 cổ phiếu/phiên, nhưng vẫn cao hơn so với mức 4.500 cổ phiếu/phiên ở tuần trước đó.
Đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là BVL của CTCP BV Land với 27,3%. Mới đây, BV Land đã có Nghị quyết HĐQT về việc triển khai thực hiện dự án và ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư. Theo đó, đơn vị này thông qua việc triển khai thực hiện dự án đầu tư Khu nhà ở đô thị Thanh Ba tại thị trấn Thanh Ba và xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. HĐQT cũng thông qua chủ trương ký hợp đồng hợp tác đầu tư khu nhà ở nói trên giữa BV Land, CTCP Tập đoàn Bách Việt và CTCP Đầu tư Xây dựng Lilama.
Cổ phiếu DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh cũng giảm đến hơn 23% từ mức chỉ 27.700 đồng/cp xuống còn 21.300 đồng/cp. Như vậy, giá cổ phiếu DXS đã giảm gần 48% kể từ mức đỉnh 40.800 đồng/cp được thiết lập hồi 21/3/2022.
Cổ phiếu MGR của CTCP Tập đoàn Mgroup sau 2 tuần giao dịch tích cực khi lên sàn HNX thì đã có sự điều chỉnh mạnh trở lại. Cổ phiếu này giảm sâu hơn 22% trong tuần từ 9 – 13/5. Dù vậy, thanh khoản của MGR chỉ ở mức thấp với 8.400 đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên.
Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao cũng giảm rất sâu như IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật giảm 21%, TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức giảm 20,2%, HDG của Tập đoàn Hà Đô giảm 20,2%, HDC của CTCP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 19,7%…
Ở chiều ngược lại, giao dịch tích cực nhất nhóm bất động sản thuộc về một “tân binh” là LSG của CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina khi tăng hơn 17% bất chấp biến động thị trường chung là tiêu cực. Tuy nhiên, nhìn vào giao dịch từng phiên của LSG lại không quá tích cực, cổ phiếu này tăng mạnh ở phiên đầu tiên trên UPCoM với biên độ lớn, trong khi giảm mạnh ở ngay phiên sau đó. Bất động sản Sài Gòn Vina thành lập năm 2007 với ngành nghề kinh doanh chính của công ty là đầu tư và phát triển địa ốc; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; kinh doanh bất động sản; kinh doanh vật tư thiết bị ngành công nghiệp và nông nghiệp, đồ gia dụng; dịch vụ bất động sản – sàn giao dịch; khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị ngành điện… Về kết quả kinh doanh, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2022 đạt hơn 7,5 tỷ đồng, giảm so với mức lãi hơn 8,3 tỷ đồng trong quý I/2021.
Trong số 8 mã bất động sản tăng giá trong tuần qua chỉ có 2 cái tên nằm trong số thanh khoản ở mức tương đối là FIR của CTCP Địa ốc First Real và SSH của CTCP Phát triển Sunshine Homes. Trong đó, FIR tăng 6,4% còn SSH tăng 1,8%.
Ngày 12/5 vừa qua là ngày giao dịch không hưởng quyền để FIR phát hành 4 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 14,99%. Đồng thời công ty cũng chốt danh sách cổ đông phát hành 13,5 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50%.
Đối với SSH, doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý I/2022 với lãi sau thuế 53,3 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ bất chấp việc doanh thu thuần giảm mạnh 76,6% xuống mức 87,9 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trong top 10 vốn hóa ở nhóm bất động sản chỉ có SSH và KSF của Tập đoàn KSFinance là không giảm giá, trong khi toàn bộ 8 mã còn lại đều có biến động tiêu cực. THD của CTCP Thaiholdings giảm đến 22,8% chỉ sau một tuần giao dịch. KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền và VRE của CTCP Vincom Retail giảm lần lượt 14,8% và 14,5%./.
Theo Realtimes