Trong vụ vi phạm tại Saigon Co.op, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã quyết định không thi hành kỷ luật với 2 người dù có vi phạm do đã thẳng thắn đấu tranh với việc làm sai trái của bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐQT, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng.
Đó là trường hợp của ông Quách Cường – phó bí thư thường trực Đảng ủy, ủy viên hội đồng quản trị Saigon Co.op và bà Hồ Mỹ Hòa – ủy viên ban thường vụ Đảng ủy, ủy viên hội đồng quản trị, giám đốc Phòng tài chính Saigon Co.op.
Đối thoại cùng Tuổi Trẻ, ông Quách Cường chia sẻ: “Nhận thông tin Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trung ương không thi hành kỷ luật, tôi rất bất ngờ. Không chỉ tôi, tập thể anh em rất mừng và rất phấn khởi bởi trung ương thấy được bản chất vấn đề, sự việc và tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục phấn đấu…”.
Xác định chắc chắn bị kỷ luật, nhưng…
* Thưa ông, ông nói bất ngờ khi không bị kỷ luật, có nghĩa là tâm trạng lúc đó của ông đã sẵn sàng chấp nhận án kỷ luật?
– (Ông Cường thở dài) Tâm trạng của tôi lúc đó khỏi nói rồi. Khi UBKT trung ương xuống làm việc, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, trong thâm tâm tôi nghĩ với sự việc và mình có những vi phạm, khuyết điểm như thế chắc chắn phải bị kỷ luật, ít nhất đến mức cảnh cáo, không thể nào thoát khỏi. Tôi đã sẵn sàng chịu án kỷ luật.
Thậm chí, tôi cũng nói với mấy anh kiểm tra rằng tôi ở vị trí này rồi, dù không phải chủ mưu nhưng với việc không hiểu vấn đề và bị dẫn dắt để xảy ra vi phạm như thế thì không xứng đáng ở vị trí này nên sau án kỷ luật tôi cũng xin từ chức.
Khi ấy tôi được động viên, và động viên tích cực nhất, giá trị nhất với tôi đến lúc này là không kỷ luật.
* Như ông nói, ông đã sớm nhận ra vi phạm, lý do nào để ông có động thái đấu tranh và báo cáo vụ việc cho cơ quan cấp trên?
– Phải nói rõ không phải ngay từ đầu tôi đã thấy mình có vi phạm. Lúc đó doanh nghiệp cần vốn nên tập thể rất thống nhất chủ trương huy động thêm. Vấn đề nằm ở cách huy động vốn mà tôi không biết nên khi có kết quả huy động, tôi cũng dự đại hội và biểu quyết đồng tình số tiền huy động được.
Sau đó, anh em thấy số tiền huy động quá lớn, trong khi một số thành viên (hợp tác xã) làm ăn thua lỗ, không thể có số tiền lớn như vậy.
Lúc đó tôi mới bắt đầu gặp gỡ nhiều thành viên khác để trao đổi vấn đề, xin ý kiến và tổ chức cuộc họp của Đảng ủy doanh nghiệp, dành một ngày để phân tích với anh Dũng (chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Diệp Dũng) và yêu cầu công bố danh sách những đơn vị tham gia góp vốn, nhưng anh ấy dứt khoát không chịu vì cho rằng không có thẩm quyền.
Lúc đó tôi và một số anh em mới đề nghị nếu không có thẩm quyền, không thẩm tra được nguồn tiền sẽ không huy động vốn. Kết quả cuộc họp thống nhất là sẽ báo cáo cho Thành ủy và dứt khoát không đưa số tiền huy động vào vốn doanh nghiệp, chờ ý kiến Thành ủy, UBND TP.
“Tôi thấy may mắn vì sống trong tập thể tốt”
* Chuyện ông kể nghe có vẻ ngắn gọn và đơn giản, nhưng để đứng lên đấu tranh và vạch trần sai sót khi cấp trên có dấu hiệu vi phạm chắc không phải dễ dàng. Ông có bị áp lực gì không?
– Ban đầu cũng áp lực chứ. Nhưng sau khi tôi thấy ra vấn đề, tôi không còn áp lực nữa. Nói thật, lúc đầu tôi rất tin anh Dũng vì anh ấy cũng là thành ủy viên được bổ nhiệm về lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhưng sau này ngồi cùng tập thể phân tích thấy cái sai, tôi mới ủng hộ tập thể. Từ đó tôi mạnh dạn đứng lên cùng tập thể có tiếng nói và phản đối lại những chuyện sai trái. Tôi thấy may mắn khi được sống trong một tập thể tốt.
* Bài học mà ông rút ra được từ sự việc này là gì, thưa ông?
– Bài học quan trọng nhất tôi nhận ra vẫn là sức mạnh của tập thể, số đông các thành viên và mình phải biết lắng nghe tiếng nói phản biện.
Nếu không có các thành viên trong ban thường vụ phân tích, tôi sẽ không thể lắng nghe và hiểu được những khuất tất, dấu hiệu vi phạm. Tất nhiên, một phần bản thân tôi cũng không có tiêu cực trong đó, nếu có tiêu cực, thái độ tôi đã khác rồi.
Theo tôi, bài học kinh nghiệm đầu tiên là phải có một tập thể mạnh, đoàn kết và bản thân mình phải biết trái – phải, đúng – sai để mạnh dạn bảo vệ cái đúng và tố cáo cái sai.
Và cũng chính nhờ tập thể, tôi vượt qua những e ngại đụng chạm ban đầu, cũng như cảm giác cô đơn khi chỉ có một người đứng ra hô hào đấu tranh. Niềm tin lớn nhất của tôi lúc đó là số đông và tập thể đã phân tích được cái sai, nếu lẻ mẻ một hai người nhận ra, tôi chưa chắc đã lên tiếng.
Muốn được bảo vệ, cần công khai với tập thể
* Trờ lại vụ việc, theo ông, vì sao lúc đầu anh em trong tập thể lại tự tin đi phân tích cái sai với ông, trong khi với vị trí của mình, ông hoàn toàn có thể cũng là “chủ mưu”?
– Đúng rồi, thật ra là trong quá trình công tác, giải quyết công việc với nhau anh em biết tính cách của nhau và khi nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm anh em mới bắt đầu chia sẻ để tôi xem lại.
Đề cập đến việc này, tôi chỉ muốn nói trong mỗi cơ quan, tập thể phải có một địa chỉ, có thể là tổ chức hay cá nhân đủ thẩm quyền, sẵn sàng lắng nghe tiếng nói từ mọi người để ngăn chặn những cái sai từ khi nó còn manh nha.
* Bộ Chính trị đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Theo ông, để việc bảo vệ này hiệu quả thì nên như thế nào?
– Những quy định vừa rồi của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra là chủ trương đúng đắn, tạo động lực để mọi người phát huy tinh thần, lên tiếng đấu tranh với các sai phạm.
Các cơ chế, quy định đó cho mọi người thấy bên cạnh cá nhân, tập thể luôn đấu tranh bảo vệ và nếu tham gia sẽ được tập thể bảo vệ. Những chủ trương này cần phải được luật hóa cụ thể để tạo hành lang pháp lý vững cho đội ngũ tự tin lên tiếng nói.
* Bộ Chính trị cũng đã ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Vậy theo ông, cách nào để bảo vệ những nhân tố tích cực này?
– Đã nói đến sáng tạo nó phải đột phá, thoát ra khỏi các quy định, luật lệ. Thành ra vấn đề chấp nhận sự đột phá đó phải hết sức thận trọng, lường trước và phân tích kỹ.
Tập thể phải thấy ra được mặt trái – phải, cái được – cái không được của việc thực hiện ý tưởng sáng tạo, đột phá. Do vậy, bản thân cá nhân có những ý tưởng đó để bảo vệ mình trước hết nên công khai ngay từ đầu với tập thể.
Đừng âm thầm sáng tạo mà cứ nói ra hết. Chính sự công khai này là tấm khiên bảo vệ cho cá nhân người đưa ra ý tưởng. Cá nhân sống trong một tổ chức, cơ quan nên hiểu và sử dụng tối đa sức mạnh tập thể để làm việc và cống hiến.
Nhiều quy định khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân tố cáo các vi phạm
HTX thương mại và dịch vụ quận 11, TP.HCM góp 306 tỉ đồng vào vốn điều lệ năm 2020 của Saigon Co.op – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong những năm qua, nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành đều có những quy định khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện tố cáo tham nhũng, lãng phí như:
– Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nêu rõ: “Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí… Có cơ chế bảo vệ và chính sách khen thưởng về vật chất và tinh thần cho người tố cáo tham nhũng, lãng phí”.
Văn kiện Đại hội Đảng XII đặt ra một trong những nhiệm vụ quan trọng là: “có cơ chế, chính sách hữu hiệu để khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ an toàn cho người phát hiện, tố cáo tham nhũng”.
– Hiến pháp 2013 quy định: “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.
– Luật tố cáo 2018 quy định các biện pháp bảo vệ gồm: bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ vị trí công tác, việc làm và bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm.
– Luật phòng, chống tham nhũng 2018 có quy định bảo vệ người tố cáo theo pháp luật về tố cáo.
– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 dành riêng một chương về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác.
– Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành chỉ thị số 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Chỉ thị đã chỉ rõ 8 nhiệm vụ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải tổ chức triển khai thực hiện, trong đó nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
– Năm 2020, Bộ Nội vụ ban hành thông tư 3/2020 quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.