Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Giá điện là biến số đối với lạm phát Việt Nam

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO AFA Capital kiêm nhà sáng lập TOPI, giá điện sẽ là nhân tố đáng lưu ý đối với mục tiêu lạm phát 4,5% của Việt Nam trong năm nay.

Giá điện là biến số đối với lạm phát Việt Nam
Ảnh: Huy Hải.

Nội dung chính:

  • Mức tăng của giáo dục, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở và vật liệu xây dựng đóng góp phần lớn vào chỉ số CPI 2 tháng đầu năm 2023. 
  • Lạm phát 4,6%/năm trong 2 tháng đầu năm nay chưa phải là vấn đề đáng quan ngại do mức tăng CPI vẫn còn dư địa từ giá xăng. 
  • Giá điện là nhân tố cần lưu ý khi theo dõi chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới. 

Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu cao sau dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm 2022.

Ảnh: Tổng cục Thống kê 

Bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát cơ bản tăng 5,08% – số liệu từ Tổng cục Thống kê

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO AFA Capital kiêm nhà sáng lập TOPI, tăng trưởng GDP và chỉ số giá tiêu dùng CPI tuy là chỉ số đi sau nhưng đóng vai trò quan trọng, phản ánh sức khỏe nền kinh tế.

Trong danh mục hàng hóa và dịch vụ tính CPI của Việt Nam, hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn nhất, xếp sau là nhà ở và vật liệu xây dựng. 2 tháng đầu năm nay, cả 2 cấu phần này đều tăng lần lượt 5,18% và 7,41% so với cùng kỳ.

Danh mục hàng hóa và dịch vụ tính CPI của Việt Nam. 

Ông Tuấn nhận định chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng được đóng góp bởi giá thực phẩm tăng gần 5% so với 2 tháng đầu năm 2022. Trong đó, giá thịt lợn đã tăng hơn 3% do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Đáng chú ý, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 11% so với cùng kỳ do một số địa phương tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022, đồng thời một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí năm học 2022-2023.

Theo Nghị định 81, từ năm học 2023 – 2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm.

Hai tháng đầu năm 2022, chỉ số giá giao thông – nhân tố chiếm tỷ trọng 10% trong rổ hàng hóa – thậm chí còn giảm 0,07% so với cùng kỳ. Trong đó, giá xăng dầu trong nước giảm 7,14% nhờ hưởng lợi từ chính sách trợ giá của Chính phủ, tác động làm CPI chung giảm 0,26 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Giá xăng dầu trong nước đã bắt đầu hạ nhiệt từ giữa năm 2022. 

“Nếu từ tháng 7 trở về sau, giá xăng dầu thế giới biến động và Chính phủ dừng hỗ trợ thuế xăng dầu sẽ gây sức ép với chỉ số CPI nửa cuối năm” – ông Tuấn nói.

Giá điện – nhân tố đáng lưu ý

Ông Tuấn xác định giá điện sẽ là biến số ảnh hưởng lớn đến CPI thời gian tới. Giá điện sinh hoạt bình quân 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng 3,04% so với cùng kỳ, góp phần làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm.

Hiện tại, nhiều dự báo cho thấy giá điện sẽ tăng vào cuối tháng 4. Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ lạm phát.

Ông Tuấn cho rằng mức lạm phát trong 2 tháng đầu năm chưa phải là vấn đề đáng lo ngại vì vẫn còn nhân tố mang tính chất chiến lược. “Tuy CPI tháng 1 và tháng 2 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng chúng ta vẫn còn dư địa do giá xăng mang lại.” – ông Tuấn nói.

Giá xăng hiện chiếm khoảng 10% trong danh mục hàng hóa tính CPI của Việt Nam nhưng khi giá xăng tăng sẽ tác động lớn đến hàng ăn và dịch vụ ăn uống do xăng là yếu tố đầu vào tính giá thành lương thực, thực phẩm.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu mới đây, mỗi lít xăng giảm 120 đồng và các mặt hàng dầu (trừ dầu mazut) cũng hạ 370-550 đồng. Như vậy, giá xăng E5 RON 92 hiện ở mức 22.420 đồng/lít; giá xăng RON 95 còn 23.320 đồng/lít.

Ông Tuấn dự báo chỉ số giá nhóm giao thông sẽ tiếp tục giảm khi so sánh với mức nền giá xăng cao của năm 2022. Đồng thời, các yếu tố mang tính chất mùa vụ như thịt lợn không còn nhiều ảnh hưởng nên CPI năm nay có thể kiểm soát được trong mục tiêu 4,5%.

Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý kinh tế vĩ mô luôn có những biến số phi thị trường có thể xảy ra nhưng xem xét dựa trên số liệu thống kê trong quá khứ, đến nay chưa có gì đáng lo ngại với mục tiêu lạm phát 4,5% cả năm 2023.

Nhận định của ông Nguyễn Minh Tuấn được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: CPI tháng 2 tăng, nguyên nhân do đâu?. Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây.

Theo Markettimes

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT