Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Khôi phục thị trường chứng khoán: Tiếp tục dùng chính sách tài khóa chủ lực

Để khôi phục được thị trường chứng khoán trước mắt các cơ quan chức năng cần có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp. Đồng thời, tiếp tục dùng chính sách tài khóa chủ lực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp.

Khôi phục thị trường chứng khoán: Tiếp tục dùng chính sách tài khóa chủ lực
Các chuyên gia cho rằng cần khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư và dùng chính sách tài khoá chủ lực để khôi phục thị trường chứng khoán. (Ảnh: Int)

 

Tính từ thời điểm tháng 4/2022 đến cuối tháng 11/2022, chỉ số VNIndex giảm từ  1.500 điểm xuống 940 điểm (khoảng 36%), cao hơn nhiều so với mức giảm của chứng khoán Mỹ (S&P 500, giảm 20%), Châu Âu (Euro Stoxx600, 14%), Châu Á (MSCI Asia, 29%). Điều này cho thấy mức độ rủi ro của TTCK Việt Nam là cao hơn so với các TTCK quốc tế.

Có thể nói, sự sụt giảm của TTCK trong nước trái ngược với diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2022. Theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam có thể đạt 7,9–8,1% và tăng trưởng năm 2023 có thể đạt mức 6–6,5%, lạm phát kiểm soát ở mức thấp bình quân khoảng 3,3%.

Bên cạnh đó, Báo cáo tài chính quý 3 của nhiều doanh nghiệp đã công bố cho thấy lợi nhuận trước thuế của 200 doanh nghiệp lớn nhất trên TTCK Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng 22% so với cùng kỳ. Việc sụt giảm mạnh như vậy, đã khiến nhà đầu tư trở nên mất niềm tin vào thị trường.

Theo TS. Lê Đức Khánh – Chuyên gia Chứng khoán, giai đoạn này được gọi là khủng hoảng về niềm tin, các nhà đầu tư cũng lo lắng, đã dẫn đến hành vi bán cổ phiếu ra.

Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên TTCK, theo các chuyên gia, trước mắt các cơ quan chức năng cần có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp, tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, ngoại hối, vàng, xăng dầu…). Tiếp tục dùng chính sách tài khóa chủ lực (chủ yếu là giảm thuế, phí) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp.

Chính phủ và các bộ ngành cần hoàn thiện và thực thi thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường, nhất là thị trường vốn, thị trường BĐS, khơi thông mạnh nguồn vốn cổ phiếu, TPDN theo tinh thần của Nghị quyết 86/2022, Nghị định 65/2022 và các Chỉ thị 13/2022…

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường – Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, về ngắn hạn Chính phủ cần có những biện pháp nhằm hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế. Đầu tiên là xem xét việc nới room tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại có sức khỏe tài chính tốt, còn dư địa để tăng trưởng tín dụng, tập trung vào những lĩnh vực liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên khác. Thứ hai, đó là việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, xem xét thành lập quỹ bình ổn hoặc quỹ bảo lãnh trái phiếu tương tự như trường hợp của Trung Quốc hay Hàn Quốc để giải cứu thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đức Khánh đánh giá, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần phải có những hành động nhanh, kịp thời, mạnh mẽ.

Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có thể đưa ra những gói hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ cho thị trường bất động sản, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời cần phải ổn định tâm lý, trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Điều quan trọng, các cơ quan chức năng cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định, tung tin đồn thất thiệt trên TTCK… Có như vậy, dòng tiền mới trở lại TTCK – kênh dẫn vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế…

Đối với các doanh nghiệp niêm yết, Nhà nước cần nâng cao yêu cầu các điều kiện về niêm yết, nhất là đối với các doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra cũng như là nâng cao các hoạt động kiểm toán đối với doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp niêm yết để từ đó nhà đầu tư có thể tham khảo thông tin một cách trung thực, khách quan.

“Chúng ta phải thắt chặt những tiêu chí niêm yết của các cổ phiếu trên thị trường đó đáp ứng được bao nhiêu, vốn điều lệ bao nhiêu, làm ăn có lãi bao nhiêu năm liên tiếp”, TS. Lê Đức Khánh nói.

Mới đây, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Gần đây, thị trường chứng khoán lao dốc vì nhà đầu tư mất niềm tin và có quá nhiều tin đồn. Vì vậy, chúng tôi sẽ chia sẻ thêm thông tin qua các kênh chính thống và phải thực hiện các biện pháp để củng cố hoạt động của các công ty”.

Nguồn: https://markettimes.vn/khoi-phuc-thi-truong-chung-khoan-tiep-tuc-dung-chinh-sach-tai-khoa-chu-luc-9577.html

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT