Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Kịch bản giá vàng và chứng khoán sau kỳ bầu cử Mỹ

Sau bầu cử Mỹ, vàng được dự đoán theo xu hướng tăng vì rủi ro địa chính trị, còn chứng khoán cần thêm 2-3 năm để phản ánh rõ nét.

Với vai trò then chốt của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu, cùng những bất ổn địa chính trị hiện nay, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới được nhiều người xem là một bước ngoặt với những tác động sâu rộng. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư đang quan tâm cuộc đua vào Nhà Trắng ảnh hưởng thế nào tới các kênh đầu tư, nhất là vàng và chứng khoán.

Giá vàng sẽ có xu hướng tăng dù ai đắc cử

Bài phân tích gần đây của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) chỉ ra trong lịch sử, các cuộc bầu cử Mỹ không có ảnh hưởng đáng kể hoặc ngay lập tức đến giá vàng thế giới.

Dẫu vậy, bất kể ứng cử viên chiến thắng là ai, rủi ro địa chính trị ngắn hạn vẫn tăng cao. Điều này khiến các nhà đầu tư cảm nhận sự cần thiết phải phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư của họ và có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho kim loại quý tăng.

Hội đồng Vàng thế giới nhấn mạnh, yếu tố quan trọng không nằm ở việc đảng nào có ứng cử viên giành chiến thắng vì lịch sử không ghi nhận tác động nhất quán của việc này đến giá vàng. Thay vào đó, mấu chốt nằm ở các chính sách kinh tế tài khóa và tiền tệ mà tổng thống tương lai đưa ra phù hợp như thế nào với đặc tính của kênh tài sản này. Giá vàng còn phản ứng với các động lực chính là hướng đi của đồng đôla, lãi suất hoặc nhận thức của thị trường về các rủi ro.

Điều này được chứng minh bằng thực tế là diễn biến giá vàng không có sự đồng nhất trong các nhiệm kỳ của một đảng.

Trang thống kê dữ liệu tài chính Visual Capitalist chỉ ra, dưới thời Tổng thống George H. W. Bush của đảng Cộng hòa, vàng giảm 19%, nhưng đến nhiệm kỳ của George W. Bush, giá lại tăng tới 215%. Tương tự, giai đoạn ông Bill Clinton của đảng Dân chủ làm tổng thống, kim loại quý sụt 20%, rồi đến thời của ông Barack Obama, giá vẫn tích lũy thêm 44%.

Tương tự, trong báo cáo của Elara Capital, quỹ đầu tư có kinh nghiệm về vàng hơn 10 năm qua, giá có thể vẫn ở mức cao bất kể ai giành chiến thắng. Họ dự báo vàng tăng 10% trong 12 tháng tới, nhưng nhấn mạnh các yếu tố kích thích sẽ là nguy cơ thâm hụt tài khóa lớn của Mỹ và diễn biến của lợi suất USD.

Từ góc độ kỹ thuật, nhóm chuyên gia của cổng thông tin tài chính FXEmpire lưu ý rằng thị trường vàng đang ở giao điểm của ngưỡng kháng cự dài hạn quan trọng. Tuy có xu hướng tăng, giá vẫn có thể trải qua đợt điều chỉnh đáng kể trước khi tiếp tục kỷ lục mới. Mức kháng cự mạnh trên thị trường vàng là 2.800-3.000 USD.

Với giá vàng Việt Nam, kết quả bầu cử Mỹ tác động như thế nào? Trước hết cần hiểu rằng ở thị trường trong nước, giá vàng có sự phân tách rõ rệt giữa vàng miếng SJC và nhẫn trơn 24K.

Giá vàng nhẫn thường đi song song với diễn biến trên thị trường thế giới. Do đó, nó có xu hướng chạy theo chính sách của mỗi thời kỳ Tổng thống Mỹ cũng như tùy thuộc vào hướng đi của đồng đôla, lãi suất hoặc nhận thức về các rủi ro của nhà đầu tư. Sự khác biệt phần lớn nằm ở độ trễ.

Còn với vàng SJC, giá kim loại quý này trước nay thường có xu hướng không đồng nhất với thị trường thế giới và duy trì khoảng cách đáng kể so với vàng nhẫn trơn, có lúc lên tới gần 20 triệu đồng mỗi lượng.

Các chuyên gia nhận định đây là thị trường đặc biệt, bởi nguồn cầu tăng liên tục nhưng nguồn cung đứng im suốt nhiều năm. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) dù là thương hiệu độc quyền, họ cũng không được chủ động sản xuất vàng miếng mà phải phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước. Do đó, kết quả cuộc bầu cử Mỹ sẽ có tác động rất ít tới mặt hàng này.

Từ đầu tháng 6 tới nay, giá vàng SJC nằm dưới quyền kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. So với trước, giá hạ nhiệt hơn hẳn và có lúc còn đi dưới vàng nhẫn trơn. Diễn biến sắp tới sẽ phụ thuộc vào ý chí và động thái của cơ quan quản lý.

Chứng khoán cần 2-3 năm để xác định xu hướng

Lấy S&P 500 làm chỉ số tham chiếu, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) phân tích số liệu thống kê 20 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần nhất từ 1944-2020. Nhóm phân tích này nhận thấy diễn biến thị trường sau ngày kết thúc bầu cử có sự phân hóa giữa kết quả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chiến thắng.

Cụ thể khi đảng Dân chủ đắc cử, trung bình thị trường chứng khoán tăng 3,8% sau 3 tháng, tăng 8% sau 6 tháng và tăng 17% sau một năm. Với trường hợp đảng Cộng hòa đắc cử, trung bình thị trường chứng khoán tăng 0,37% sau 10 ngày, tăng 1,52% sau một tháng và 2,17% sau 3 tháng. Nhưng nếu nhìn rộng ra nửa năm, biên độ chỉ tăng 1,59% và tăng 0,83% sau một năm.

“Thị trường chứng khoán cần thời gian thẩm thấu các chính sách dưới thời tổng thống mới. Vì vậy thị trường sẽ phản ánh rõ nét hơn các chính sách vào năm thứ 2 và 3”, báo cáo của MASVN nêu.

Nếu soi chiếu vào thị trường Việt Nam, dữ liệu lịch sử chỉ ra trong bốn đợt chạy đua vào Nhà Trắng gần nhất, chỉ duy nhất đợt ông Barack Omaba lần đầu làm tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam có xu hướng giảm. Còn lại ở ba đợt bầu cử sau này, kể cả lần ông Obama tái đắc cử, VN-Index đều có xu hướng tăng. Diễn biến trên khá khớp với sự vận động của S&P 500.

MASVN cho rằng với thị trường chứng khoán Việt Nam, sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ nói chung không tạo ra nhiều tác động. Tuy nhiên, chứng khoán trong nước thường được cho là tương quan cùng chiều với chứng khoán Mỹ. Độ tương quan giữa S&P 500 và VN-Index trong tháng gần nhất là 27% và trong quý gần nhất là 76% nên diễn biến chứng khoán Mỹ dự báo tác động đáng kể đến chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn.

Dẫu vậy, theo quan sát của ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBank (VPBankS) – trong giai đoạn vừa rồi có sự phân hóa rõ khi các chỉ số đại diện thị trường Mỹ như Dow Jones hay S&P 500 liên tục vượt đỉnh, ngược lại VN-Index khó lập mặt bằng trên 1.300 điểm. Nguyên nhân là có sự khác biệt giữa thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam hiện tại.

Về mặt cơ cấu, chứng khoán Mỹ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi nhóm cổ phiếu công nghệ. Làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) đã kéo những cổ phiếu liên quan đến sản xuất chip tăng mạnh mẽ, qua đó nâng S&P 500 hay Nasdaq liên tục lên những kỷ lục mới. Thêm vào đó, câu chuyện bầu cử Mỹ cũng khiến thị trường nước này tăng mạnh mẽ thời gian qua.

Còn với thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index đang chịu chi phối bởi nhóm vốn hóa lớn gồm ngân hàng, bất động sản và chứng khoán. Xét riêng nhóm vốn hóa lớn thuộc ba ngành kể trên, ngân hàng có hiệu suất tốt trong thời gian qua, các mã bất động sản đi xuống. Còn các mã vốn hóa vừa của cả ba lại điều chỉnh và đi ngang. Tuy nhiên gần đây cổ phiếu ngân hàng chững lại đã khiến VN-Index chậm đi.

Ông Sơn nhấn mạnh cấu phần của hai thị trường khác nhau đã cho hai kết quả lệch nhau. Chuyên gia VPBankS dự báo để thị trường vượt 1.300 điểm, thanh khoản phải tăng ở mức rất mạnh, thường trung bình trên mốc 25.000 tỷ đồng. Còn hiện tại, con số thống kê chỉ quanh 16.000-17.000 tỷ đồng, thanh khoản có dấu hiệu giảm sang tháng thứ ba liên tiếp.

“Nhà đầu tư có thể chờ xu hướng thị trường rõ ràng hơn để có quyết định đầu tư hợp lý. Vùng hỗ trợ của thị trường ngắn hạn đang ở mốc 1.180-1.205 điểm”, ông Trần Hoàng Sơn đưa ra khuyến nghị.

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT