Thứ tư, Tháng Một 22, 2025

Lại bùng phát nạn giả mạo ngân hàng để lừa đảo

Đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao thông qua app (ứng dụng), website giả, nhái, sử dụng tên gọi, logo, giao diện, địa chỉ truy cập gần giống ứng dụng của các tổ chức tín dụng được cấp phép… nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tình trạng lừa đảo mạo danh ngân hàng không mới, đã từng được ngân hàng, cơ quan công an cảnh báo tới khách hàng nhưng vẫn tiếp tục gia tăng trở lại.

Muôn kiểu lừa đảo, mạo danh ngân hàng

Mới đây, người dân Hà Nội xôn xao chia sẻ việc nhận tin nhắn từ một ngân hàng lớn của tài khoản Huyền Bùi.

Theo đó, vào lúc 19 giờ 36 phút tối 1/4, điện thoại của chồng chị Huyền Bùi nhận được tin nhắn từ số máy giống số tổng đài của một ngân hàng lớn thông báo: Ứng dụng Digibank được phát hiện kích hoạt trên thiết bị lạ và gửi kèm đường link yêu cầu khách bấm vào để đổi thiết bị hoặc hủy nhằm tránh mất tài sản.

Thấy tin nhắn từ số tổng đài giống tên ngân hàng mình đang sử dụng, chồng chị Huyền liền nhấn vào link. Sau khi nhập ID và pass xong, chuẩn bị đăng nhập thì phát hiện Digibank (ngân hàng số) là App trên điện thoại nhưng tin nhắn hiển thị lại gửi thêm một link lạ có giao diện web. Nhìn kỹ link tên miền giống ngân hàng nhưng đuôi cuối lại gạch ngang: -ms.top, lập tức chồng chị Huyền ấn hủy ngang.

Nhiều người chia sẻ tin nhắn lừa đảo trên mạng xã hội

Nhiều người chia sẻ tin nhắn lừa đảo trên mạng xã hội

Đây là chiêu thức lừa đảo mới, nếu như đăng nhập sẽ báo OTP về máy, khách hàng click vào là tài khoản sẽ bị trừ hết sạch tiền. Trên thực tế, số tổng đài mạo danh trên không phải của ngân hàng, mà là số giả mạo.

“Khi tin nhắn gửi đến điện thoại của khách hàng, nhà mạng thấy cùng đầu tên nên gộp vào một cuộc hội thoại, do vậy mới có cả tin nhắn cũ và tin nhắn mới cùng hiển thị trên bảng tin nhắn. Quá là tinh vi mọi người nhỉ?” – tài khoản Huyền Bùi chia sẻ.

Còn tại ngân hàng TPBank, chị Hồng Hà cũng nhận được tin nhắn SMS thông báo: “TPbank: Trân trọng thông báo. Tài khoản của quý khách hiện tại bị khóa. Đăng nhập https//:ebank…tbplik… để xác thực ngay hôm nay”.

Tuy nhiên, do đã đọc nhiều thông tin trên báo và thông báo của ngân hàng gửi đến, chị Hà không nhấp vào link theo chỉ dẫn trên tin nhắn của ngân hàng và cũng ngay lập tức xóa tin nhắn đó để tránh lỡ tay nhấp vào đường link, tránh vô tình bị hack thông tin.

Tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu một số ngân hàng là vấn đề không mới, và phía ngân hàng đã từng cảnh báo liên tục tới khách hàng. Tuy nhiên tình trạng lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu ngân hàng tiếp tục gia tăng trở lại.

Ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) cho hay, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng các thiết bị chuyên dụng, giả trạm phát sóng BTS, đem đến khu vực đông người để phát đi số lượng tin nhắn lớn tới các thuê bao lọt vào vùng phủ sóng của thiết bị.  Do tin nhắn giả mạo được xếp chung luồng với các tin nhắn thật đến từ ngân hàng nên rất khó để phân biệt và dễ bị mắc lừa.

Không chỉ lừa đảo tin nhắn, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhan nhản quảng cáo mạo danh những ngân hàng lớn cho vay với lãi suất thấp nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người vay.

Những bài quảng cáo này mời chào, chỉ cần có chứng minh thư, căn cước công dân, số điện thoại là có thể vay hàng trăm triệu lãi suất thấp. Các tài khoản mạng xã hội này đều là “ảo”, không có thông tin cá nhân và chỉ đăng bài quảng cáo cho vay bằng hình thức tín chấp với lãi suất thấp…

Cụ thể, thời gian qua có nhiều đối tượng mạo danh là nhân viên Công ty Shinhan Credit hỗ trợ cho vay. Trong quá trình làm việc với các đối tượng này, người dân có nhu cầu vay phải cung cấp thông tin cá nhân và nhận được tin nhắn thông báo đã được giải ngân một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc hồ sơ đề nghị vay đang được xử lý.

Các đối tượng này yêu cầu người dân nộp “phí xác thực tài khoản”, “ký quỹ tạm thời để xử lý giải tỏa tài khoản”, “phí điều chỉnh thông tin”, “phí xử lý hồ sơ online”… với lời hứa sẽ được hoàn trả lại.

Theo những người dân phản ánh với Shinhan Finance, họ đã phải đi vay mượn người thân hoặc vay nóng bên ngoài để nộp các loại “phí” này lên đến hàng chục triệu đồng.

Tuy nhiên, ngân hàng Shinhan Bank đã phát đi thông báo khuyến cáo khách hàng nên cảnh giác các phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến của đối tượng lừa đảo. Shinhan Finance khẳng định: “Công ty Shinhan Credit” không trực thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan, cũng như không có bất kỳ mối liên hệ nào với các công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan.

Tương tự, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) cũng cho biết, lợi dụng uy tín thương hiệu và nhu cầu vay vốn tiêu dùng tăng cao của người dân, một số đối tượng xấu đã có hành vi giả mạo website và tổng đài của Mcredit, nhằm chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính từ người đi vay.

Mới đây, Sacombank cũng phát đi cảnh báo lừa đảo mời chào rút tiền mặt thẻ tín dụng. Theo đó, kẻ gian sử dụng SIM rác điện thoại, nhóm mạng xã hội Facebook, Zalo hoặc website nhắn tin khách hàng giới thiệu là nhân viên ngân hàng, công ty tài chính để mời chào, hỗ trợ dịch vụ phát hành thẻ tín dụng và rút tiền mặt.

Kẻ gian còn tư vấn cho chủ thẻ chuyển đổi giao dịch thành khoản trả góp với mức phí, lãi suất thấp. Sau khi chủ thẻ đồng ý sẽ yêu cầu cung cấp thông tin thẻ như số CVV, số thẻ, mã OTP… rồi giao dịch trực tuyến bằng thông tin khách hàng vừa cung cấp để chiếm đoạt tiền.

Nâng cao cảnh giác

Các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao thông qua app (ứng dụng), website giả, nhái, sử dụng tên gọi, logo, giao diện, địa chỉ truy cập gần giống ứng dụng của các tổ chức tín dụng được cấp phép… nhằm chiếm đoạt tài sản.

Liên tục thời gian qua, các ngân hàng đã phát đi thông báo cảnh báo lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn đến email các khách hàng.

Vietcombank thông báo, chỉ có duy nhất 01 địa chỉ website tại đường dẫn: https://vietcombank.com.vn/. Vietcombank “Không” gửi tin nhắn SMS thông báo dịch vụ VCB Digibank bị khóa và đường link yêu cầu xác thực tài khoản.

Tương tự, MSB cũng khuyến cáo khách hàng về tình trạng lừa đảo nói trên và cho biết đã ghi nhận một số website giả mạo như sau: https://msb.vn-iy.life; https://msb.com.vn-ct.xyz; http://msb.com.vn-cz.top/; https://msb.com.vn-zy.xyz.

“MSB khẳng định không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu, OTP dưới hình thức như trên” – thông báo của MSB nêu rõ.

Người dân thận trọng với những thủ đoạn giả mạo công ty tài chính, ngân hàng. Ảnh minh hoạ
Người dân thận trọng với những thủ đoạn giả mạo công ty tài chính, ngân hàng. 

Các ngân hàng thông báo, nếu nhận được những tin nhắn SMS có nội dung giống hoặc tương tự như trên, khách hàng tuyệt đối “Không bấm vào đường link trong tin nhắn và thông báo ngay cho ngân hàng thông qua số hotline và cơ quan công an nơi gần nhất.

Ngoài ra, các ngân hàng còn hướng dẫn người dân cách phân biệt tin nhắn chèn số giả mạo ngân hàng. Bước 1, sao chép tin nhắn Brandname đang nghi là giả mạo. Bước 2, gửi tin nhắn đã sao chép đến đầu số của nhà mạng để kiểm tra: 9548 (mạng Viettel); 9241 (mạng Mobifone); hoặc 1551 (mạng Vinaphone). Bước 3, xem phản hồi của nhà mạng.

Theo cơ quan công an, trung bình mỗi ngày, các đối tượng phát tán thành công từ 40.000 đến 80.000 tin nhắn/bộ thiết bị. Các thiết bị có thể tùy chỉnh giả mạo đầu số tin nhắn của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Đây là đường dây tội phạm có tính chất chuyên nghiệp xuyên quốc gia, do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, cấu kết chặt chẽ với những đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Đến cuối năm 2022, lực lượng công an đã phá 7 vụ, bắt 10 đối tượng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Đồng Nai; thu giữ 16 bộ thiết bị giả trạm BTS.

Còn với trường hợp giả mạo ngân hàng cho vay, các đối tượng xấu đã đánh trúng vào tâm lý của khách hàng muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện và lợi dụng uy tín của ngân hàng, tổ chức tài chính để giả mạo làm nhân viên đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền trên mạng xã hội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây nhất, Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) bắt giữ 7 đối tượng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cầm đầu là Nguyễn Hồng Sơn (SN 2001, tạm trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Các đối tượng giả danh ngân hàng TMCP Techcombank, đăng bài viết trên Facebook cho vay lãi suất thấp, không cần xác minh, giải ngân trong ngày.

Sau đó, chúng kết bạn với bị hại qua Zalo, lấy thông tin cá nhân (căn cước công dân, tài khoản ngân hàng) và đề nghị người chuyển tiền làm hồ sơ vay vốn online cùng tiền bảo hiểm khoản vay, chứng minh thu nhập, hỗ trợ giải ngân nhanh… Ban đầu xác định, tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới 2 tỷ đồng.

Công an Hà Nội khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu vay vốn nên liên hệ trực tiếp tới các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được hướng dẫn làm thủ tục. Khi vay vốn qua các trang mạng thì khách hàng cần tìm hiểu kỹ đơn vị cho vay, và tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng chuyển bất cứ khoản phí hay bảo lãnh khoản vay nào.

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT