Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Tài sản ông Trịnh Văn Quyết biến động thế nào sau 3 tháng bị tạm giam?

Sau 3 tháng bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi thao túng giá chứng khoán, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC biến động mạnh cùng biến động của các mã cổ phiếu đang nắm giữ.

Ngày 29-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

3 tháng kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra, các mã cổ phiếu họ FLC cũng đã có biến động mạnh. Trong đó, nhiều mã cổ phiếu ông Trịnh Văn Quyết đang trực tiếp nắm giữ đã giảm tới hơn 50%.

Cụ thể, ngoài mã cổ phiếu GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC không phát sinh giao dịch trong suốt 3 tháng qua thì các mã cổ phiếu còn lại ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ là FLC, ROS và ART đều có biến động lớn hơn đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, mã cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC vừa có chuỗi 6 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 22-29/6 để đóng cửa ở mức giá 5.660 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, so với thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, thị giá của FLC cũng đã ghi nhận mức giảm tới 55%. So với mức giá đỉnh 22.550 đồng thiết lập phiên giao dịch ngày 7/1 thì FLC đã giảm tới 75% sau gần nửa năm.

Thị giá của FLC ghi nhận mức tăng trần 6 phiên liên tiếp trong bối cảnh Tập đoàn này sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 vào ngày 2/7 tới. Trước đó, Đại hội bất thường lần 1 được tổ chức vào ngày 10/6 nhưng không thành công do không đủ cổ đông tham dự.

Đại hội bất thường lần 2 dự kiến sẽ bầu bổ sung ba thành viên HĐQT thay cho ông Trịnh Văn Quyết, bà Hương Trần Kiều Dung và ông Lã Quý Hiển, đồng thời bầu bổ sung toàn bộ ba thành viên Ban Kiểm soát.

Khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết giảm 37% sau 3 tháng bị tạm giam
Khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết giảm 37% sau 3 tháng bị tạm giam

Mã cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC FAROS có chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp trong đó có 5 phiên tăng trần (từ 22-28/6) để đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/6 với mức giá 3.090 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, so với thời điểm cách đây 3 tháng, thị giá của mã cổ phiếu này cũng đã ghi nhận giảm tới 62%.

Mã cổ phiếu ART của Chứng khoán BOS đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/6 với mức giá 4.800 đồng/cổ phiếu. Sau 3 tháng kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị tạm giam, thị giá của mã cổ phiếu này cũng đã ghi nhận mức giảm 51%.

Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 29/6, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết có giá trị hơn 2.803 tỷ đồng. Tính chung khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết ghi nhận mức giảm 37% so với thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 29/3.

Mặc dù đang bị tạm giam và tài khoản chứng khoán đang bị phong tỏa phục vụ công tác điều tra nhưng với khối tài sản này, ông Trịnh Văn Quyết vẫn đang là một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán hiện nay.

Nhận định về xu hướng thị trường phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, chuyên gia của CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết về phân tích kỹ thuật, chỉ số vẫn duy trì tín hiệu tích cực khi đóng cửa trên đường trung bình động MA10, hiện chỉ báo MACD đã cắt đường tín hiệu và đi lên, cho thấy có thể tăng điểm trong các phiên sắp tới. Tuy nhiên, biên độ tăng sẽ không quá mạnh mẽ và sự phân hóa giữa các nhóm ngành có thể tiếp tục diễn ra rõ nét hơn. Nhà đầu tư nếu đã có sẵn vị thế giá thấp nên quan sát tăng tỷ trọng tại các nhịp điều chỉnh của thị trường, ưu tiên các cổ phiếu được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tốt trong quý II.

Cùng quan điểm, chuyên gia của CTCK MB (MBS) nhận định về kỹ thuật, mô hình 2 đáy phục hồi của chỉ số Vn-Index vẫn tiếp tục được củng cố, thanh khoản giảm ở nhịp giảm hôm 29/6 là tín hiệu tích cực, bên cạnh đó các nhóm cổ phiếu vẫn thay nhau giữ nhịp thị trường khi các yếu tố cơ bản như các biến số vĩ mô, báo cáo kết quả kinh doanh hay hoạt động chốt NAV sẽ là các nhân tố hỗ trợ thị trường. Do vậy, các nhịp điều chỉnh trong phiên vẫn là cơ hội cho dòng tiền đến muộn.

Chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng theo góc nhìn dài hạn, thị trường kỳ vọng sẽ có xu hướng tích lũy chặt chẽ dần, ở vùng giá hiện tại mặt bằng giá cổ phiếu vẫn đang hấp dẫn bởi định giá P/E đang thấp trong bối cảnh đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịnh vẫn được duy trì, tốc độ tăng trưởng GDP quý 2/2022 tăng 7,72% cao nhất trong thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp niêm yết được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý này.

Các nhà đầu tư giá trị và dài hạn có thể tìm kiếm cơ hội giải ngân ở giai đoạn này. Với quan điểm thị trường đang hình thành vùng tích lũy, các nhà đầu tư dài hạn nên cân nhắc giải ngân từng phần bởi quá trình tích lũy sẽ có thể kéo dài.

Còn với góc nhìn ngắn hạn, VN-Index kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.160 thành công và đang trong xu hướng hồi phục hướng về vùng 1.300 và sẽ tạo ra nhiều cơ hội mua ngắn hạn.

Theo 24H

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT