Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đến cuối năm 2025 mới có thể hoàn thành cơ sở dữ liệu về đất đai để thực hiện phương pháp định giá đất mới.
Dự kiến tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025
Tại phiên thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trình bày báo cáo về kết quả lấy ý kiến Nhân dân và việc tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Liên quan đến nội dung giá đất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, giá đất sẽ được tính toán phù hợp theo cách thức công khai minh bạch, sử dụng các công cụ toán học để tìm ra giá đất hợp lý nhất.
Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp. Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong việc xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất. Căn cứ xác định giá đất bao gồm: mục đích sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất; thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp; các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất.
Quang cảnh hội nghị
Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải đảm bảo: giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến, giao dịch có quan hệ huyết thống hoặc có những ưu đãi khác được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.
Về bảng giá đất, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025, các địa phương có thời gian từ khi Luật có hiệu lực thi hành đến ngày 31/12/2025, đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo yêu cầu của Luật; đồng thời, việc ban hành bảng giá đất hàng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.
“Từ nay đến 2025 không thể lập được cơ sở dữ liệu xây dựng bảng giá đất. Bắt buộc đến cuối năm 2025 mới có thể hoàn thành cơ sở dữ liệu để thực hiện phương pháp định giá đất mới” – ông Trần Hồng Hà cho biết.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng sửa đổi quy định các nguồn thu ngân sách từ đất đai, quy định việc điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương thực hiện. Sửa đổi và quy định chi tiết việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Bổ sung quy định người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Quy định Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải phê duyệt quyết định giá đất trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.
Hơn 11 triệu ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đã được các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai nghiêm túc, đồng bộ dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến tận cơ sở xã, phường, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, huy động được hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các giai tầng trong xã hội tham gia, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp Nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thực sự trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị – pháp lý quan trọng. Các ý kiến tham gia của Nhân dân đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm.
Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm vấn đề sau:
– Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 1.159.990 ý kiến;
– Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 1.004.674 ý kiến;
– Tài chính đất đai, giá đất: 979.736 ý kiến;
– Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: 951.748 ý kiến;
– Chế độ sử dụng đất: 915.486 ý kiến;
– Thu hồi đất, trưng dụng đất: 888.018 ý kiến;
– Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận: 881.021 ý kiến;
– Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: 871.653 ý kiến.
Các ý kiến góp ý đã được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ bố cục, kỹ thuật soạn thảo, rà soát tính thống nhất với các pháp luật liên quan, các chính sách trọng tâm và các quy định cụ thể tại các chương, mục, điều, khoản của dự thảo Luật.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân cho đến khi dự thảo Luật được thông qua.
Theo VTV