Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

“Đánh thức” bất động sản núi

Khu vực trung du và miền núi phía Bắc – vốn được xem là “vùng lõi nghèo” của cả nước, được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong thời gian tới khi Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai mạnh mẽ, qua đó “đánh thức” thị trường bất động sản khu vực này.

“Đánh thức” bất động sản núi

Khi “đại gia” tìm đến

Với sự hào hứng lộ rõ, ông Lê Đình Chung – Phó tổng giám đốc Hải Phát Land sôi nổi kể với phóng viên rằng, trước mấy ngày nghỉ lễ Quốc khánh, ông tranh thủ di chuyển liên tục qua các tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lào Cai… để khảo sát thị trường.

Theo ông Chung, trong thời gian tới, thị trường bất động sản khu vực này sẽ rất sôi động khi Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết được triển khai mạnh mẽ.

“Trước mắt khó kỳ vọng có sự đột phá ngay, nhưng trong trung và dài hạn, khu vực này hoàn toàn có thể trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khi đã xuất hiện một loạt nhà phát triển bất động sản hàng đầu”, ông Chung nhấn mạnh.

Ngày 29/8/2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH Mặt Trời Hòa Bình (thành viên của Sun Group) làm chủ đầu tư 2 dự án bất động sản có tổng diện tích 274,2 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.200 tỷ đồng tại địa phương này, một dự án quần thể Khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ tại 2 xã Kim Bôi và Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, quy mô 189 ha, vốn đầu tư khoảng 6.656 tỷ đồng, hai là dự án Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Hồ Khả tại xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, quy mô 85,22 ha, vốn đầu tư khoảng 2.627 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 27/8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn trao Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác đầu tư cho Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội về việc đầu tư 5 dự án phát triển du lịch tại đây với tổng mức đầu tư 4.650 tỷ đồng, bao gồm: (1) Dự án Khu bến tàu du lịch tập trung trên sông Nho Quế với mô hình giao thông xanh, quy mô 5 ha, vốn đầu tư 900 tỷ đồng; (2) Dự án Bến xe tỉnh và giao thông nội thị Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, quy mô 4 ha, vốn đầu tư 400 tỷ đồng; (3) Dự án Xây dựng chợ vùng cao, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn với quy mô 4 ha, vốn đầu tư 350 tỷ đồng; (4) Dự án Trung tâm biểu diễn văn hóa dân gian – Ấn tượng cao nguyên đá, quy mô 1,2 ha, vốn đầu tư 500 tỷ đồng; (5) Dự án Cụm du lịch Thiên Hương với khu không gian Làng Mông, Làng Tày và khách sạn 3-5 sao, quy mô khoảng 30 ha, vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.

Tại Lào Cai, một trong những địa phương đi đầu khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ về thu hút đầu tư với sự xuất hiện của một loạt nhà phát triển bất động sản lớn nhỏ phía Bắc như Sun Group, T&T, Geleximco, Bitexco, Tập đoàn TNG, Tập đoàn CD, Công ty cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Phú Hưng, Công ty cổ phần KOSY… Giá trị các dự án đăng ký đầu tư giai đoạn 2020-2030 đạt 125.000 tỷ đồng (tương đương 5,3 tỷ USD), tập trung vào các thế mạnh của tỉnh như kinh tế cửa khẩu, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp đặc hữu…

Ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai cho biết, để có được những kết quả trên, tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác quy hoạch, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, công khai hóa thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế đầu tư, thủ tục giao đất, giới thiệu địa điểm, đăng ký kinh doanh một cửa liên thông, đảm bảo thuận lợi và chỉ tập trung tại một đầu mối, đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

“Thủ tục hành chính nhanh gọn, chính sách thu hút đầu tư cởi mở… là một trong những điểm mấu chốt để chúng tôi quyết định đầu tư vào Lào Cai, Bắc Giang, Thái Nguyên”, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Kosy Group chia sẻ lý do đầu tư vào các địa phương này.

Quan trọng là tư duy của lãnh đạo địa phương

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và công bố mới đây cho biết, trong 14 địa phương thuộc Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, điểm số trung vị PCI 2021 của một số địa phương như Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang… đã có cải thiện rõ rệt, đặc biệt là Lào Cai khi thường xuyên duy trì ở mức cao 60-66 điểm trong 10 năm qua. Tuy nhiên, các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Bắc Kạn… có số điểm còn thấp so với mặt bằng chung.

Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW diễn ra ngày 27/8/2022 vừa qua, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong thẳng thắn thừa nhận, mặc dù có chuyển biến nhất định, nhưng khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là “vùng trũng”, là “lõi nghèo” của cả nước, mà một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc “chưa khai thác được nhiều nguồn lực, thiếu thể chế cho liên kết vùng”.

“Tư duy liên kết vùng chậm đổi mới” cũng là điều được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề cập tới như là một rào cản lớn hạn chế sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực này.

“Tư duy liên kết vùng ở đây là tư duy phát triển cho cấp vùng, tức là đặt lợi ích của vùng là cao nhất, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Để làm được điều này, các cấp, các ngành cần xác định mục tiêu chung của vùng đã được quy định rất rõ tại Nghị quyết 11-NQ/TW là đến năm 2030, khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước. Để đạt mục tiêu này, ngoài việc thay đổi tư duy, mỗi địa phương phải có chương trình hành động rất cụ thể, căn cứ vào quy hoạch vùng để xây dựng quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch vùng…”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu như tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khu vực Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2016-2020 đạt trên 176.200 tỷ đồng (tương đương gần 7,6 tỷ USD), chiếm khoảng 14% tổng đầu tư của ngân sách nhà nước, thì trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn lực đầu tư được dành cho khu vực này lên tới hơn 211.8000 tỷ đồng (9,6 tỷ USD), tăng khoảng 2 tỷ USD so với giai đoạn trước, tập trung vào phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược.

Đặc biệt, theo Chương trình mục tiêu của Nghị quyết 11-NQ/TW, đến năm 2025, tập trung hoàn thành nhiều tuyến đường huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng như Hữu Nghị – Chi Lăng, Tuyên Quang – Phú Thọ, Chợ Mới – Bắc Kạn, Tuyên Quang – Hà Giang và tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; các sân bay tại Sapa và Điện Biên, cùng với tuyến đường sắt và đường thủy cũng sẽ được đầu tư nâng cấp, cải tạo để kết nối thuận lợi với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương phía Nam.

Cùng với đó, trong giai đoạn 2026-2030, sẽ hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hòa Bình – Mộc Châu – Sơn La và Đoan Hùng – Chợ Bến, cùng tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đồng thời, nghiên cứu kêu gọi đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản, Lai Châu; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng; đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai…

XEM THÊM

Kết nối với chúng tôi

109,932FansLike
7FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

TIN MỚI NHẤT