Tại Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án nằm trên tuyến đường này.
Kết luận thanh tra được công bố đã thu hút sự chú ý của dư luận. Mới đây, Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng về việc thực hiện Kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng về quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu – Nguyễn Thanh Bình và Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính.
Theo đó, cơ quan này thừa nhận kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra một số nội dung thiếu sót trong quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý quy hoạch tại tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu – Nguyễn Thanh Bình và khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính và khẳng định sẽ “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm”.
Tuy nhiên, theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội, để nội dung tại Kết luận số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng đảm bảo việc toàn diện, khách quan, phù hợp với các quy định pháp luật, được xem xét phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô qua các thời kỳ, quá trình triển khai thực hiện đúng với chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, thống nhất của Bộ Xây dựng và phù hợp định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần được xem xét nghiên cứu trao đổi để bổ sung làm rõ định hướng quy hoạch của khu vực, của trục đường cũng như quá trình tổ chức thực hiện của Thành phố Hà Nội.
Trên cơ sở nội dung đã báo cáo xin ý kiến UBND Thành phố, Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội đề nghị rà soát, nghiên cứu kiểm tra, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung lại các nội dung đã nêu tại phần trên để đảm bảo tính chính xác, khách quan, đóng góp tích cực vào việc quản lý quy hoạch, xây dựng tại khu vực này nói riêng và của Thủ đô nói chung, văn bản của Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội nêu rõ.
Đối với các nội dung Kết luận liên quan đến trách nhiệm của UBND Thành phố, Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội thông tin, ngày 26/10/2021, UBND Thành phố đã có văn bản số 3726/UBND-ĐT gửi Thanh tra Bộ Xây dựng, do vậy đề nghị Thanh tra Bộ Xây dựng nghiên cứu và có ý kiến trao đổi lại để thống nhất với UBND Thành phố Hà Nội.
Liên quan đến văn bản của Sở Quy hoạch – Kiến trúc thành phố Hà Nội vừa gửi mới đây về việc thực hiện Kết luận thanh tra số 39, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, đến thời điểm trưa ngày 20/7, ông vẫn chưa nhận được văn bản chính thức. Ngay khi tiếp nhận văn bản này thì cơ quan chức năng cũng cần có thời gian nghiên cứu.
Về nguyên tắc pháp luật, sau khi Kết luận Thanh tra được công bố, các tổ chức, cá nhân liên quan phải có trách nhiệm thi hành, thực hiện theo kết luận. Các tổ chức, cá nhân được thanh tra có thể đề xuất giải pháp khắc phục.
Mới đây, ngày 8/7/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 190/KH-UBND tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc ban hành Kế hoạch 190 cũng là một phương án và cách làm tốt, mang tính tổng thể.
Tại kế hoạch này, Hà Nội quy định rõ, việc điều chỉnh quy hoạch phải được xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm tăng mật độ dân cư so với quy hoạch được duyệt; không xem xét đối với việc điều chỉnh quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công viên cây xanh, ao, hồ, công trình phục vụ dân sinh. Đây là động thái rất tích cực, cần được đánh giá cao.
Tuy nhiên, liên quan đến Kết luận thanh tra, tinh thần chính vẫn là thượng tôn pháp luật nhưng vẫn phải đảm bảo tính khả thi. Mọi căn cứ kết luận đều dựa trên quy định của pháp luật.
Dưới góc độ chuyên môn, các chuyên gia cho rằng, kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng đã gắn với hồ sơ cụ thể và Hà Nội cần có giải pháp pháp khắc phục ngay. Cụ thể như có giải pháp đầu tư cho tuyến đường, hạ ngầm… hoặc bổ sung công viên cây xanh; những chỗ di dời thì đầu tư cho diện tích công cộng…
Quá trình tái thiết khi sửa đổi sẽ được đánh giá lại. Mục tiêu là giảm bớt tình trạng quá tải, chỉnh trang dần không gian… Trên thực tế, việc hoàn thiện của các đô thị cũng phải thực hiện từng bước. Còn khi có sai phạm thì cá nhân, đơn vị nào sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo các chuyên gia, Hà Nội nên có giải trình tiếp thu. Phía thanh tra cũng nên chia vấn đề theo nhóm. Ví dụ cụ thể từ các vấn đề lớn cho đến những lỗi sai cần bổ sung hồ sơ, có giải pháp khắc phục…
Ngay cả các giải pháp khắc phục hậu quả của Hà Nội cũng nên đề xuất cả trong ngắn hạn và dài hạn vì còn liên quan đến nguồn lực thực hiện. Đơn cử như việc thiếu công viên cây xanh thì phải bổ sung sớm…
Trên thực tế, các sai phạm được nêu tại kết luận thanh tra đã xảy ra rất lâu (thời điểm cách đây khoảng 10 năm). Trước đây, việc quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ, còn buông lỏng thì nay phải khắc phục. Thực trạng này cũng đã được cơ quan nhà nước cảnh báo.
Từ năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Do đó, những năm gần đây, tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện và tràn lan đã được hạn chế.
Cùng đó, Luật số 35/2018/QH14 của Quốc hội Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cũng đã quy định chặt chẽ hơn quy trình, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng để bảo đảm sự ổn định của hệ thống quy hoạch.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhiều bộ, ngành đã thực hiện phân cấp cho các địa phương. Điều này đã thực sự đem lại kết quả tích cực, rõ nét trong toàn hệ thống; trong đó có lĩnh vực xây dựng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khi đã được phân cấp thì các địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Bên cạnh đó cần có sự nhập cuộc giám sát của cộng đồng, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng như các cơ quan liên quan.