Có ý kiến cho rằng, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng “nóng”, tuy nhiên vẫn chưa đến giai đoạn cảnh báo.
Theo báo cáo của TCBS Research, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tiếp tục tăng trưởng với 382 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tổng giá trị phát hành đạt 714.000 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ghi nhận mức huy động lớn từ các doanh nghiệp bất động sản.
Thực tế, kênh huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp luôn được các doanh nghiệp bất động sản ưa thích do các ngân hàng nhiều năm gần đây rất thận trọng trong việc cho các doanh nghiệp bất động sản vay vốn, nếu có cho vay thì rất nhiều quy định khắt khe.
Trong khi đó việc huy động bằng trái phiếu, nhiều trường hợp cũng không cần phải tài khoản đảm bảo, được “giải ngân” ngay và không chịu ràng buộc các điều kiện sử dụng vốn khắt khe như khi vay tín dụng. Do đó nguồn vốn có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Đồng thời sản phẩm này cũng được các nhà đầu tư quan tâm do lãi suất ở mức cao (trung bình 9,8%/năm so với lãi suất trái phiếu ngân hàng trung bình 4,4%/năm).
Điều này đã khiến thị trường tăng trưởng “nóng” hơn, nhưng theo TCBS vẫn chưa đến giai đoạn cảnh báo. Bởi lẽ, thị trường bất động sản tại Việt Nam nếu so sánh với Trung Quốc, cụ thể là sự kiện Evergrande thì nhà đầu tư chưa cần phải quá lo ngại với các lý do cụ thể.
Thứ nhất, lượng hàng tồn kho bất động sản tại Trung Quốc là quá lớn. Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức vừa phải. Cụ thể, nguồn cung bất động sản năm 2021 ở Hà Nội và TP.HCM tiếp tục nằm ở mức thấp nhất so với các năm trước, số lượng mở bán mới giảm lần lượt 12% và 43% ở 2 thành phố này so với năm 2020. Mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ tiêu thụ vẫn giữ ở mức tương đối tốt, xấp xỉ 40%.
| Xem thêm : Lập tổ công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đất đai sau thanh tra
Thứ hai, mức độ tín dụng bất động sản trong nền kinh tế Trung Quốc khá lớn, tương đương 30% tổng dư nợ hệ thống của Trung Quốc trong khi đó ở Việt Nam, con số này ước tính rơi vào khoảng 10%. Hơn nữa, về tổng thể, tình trạng tài chính của các chủ đầu tư bất động sản tại Việt Nam có mức tốt hơn tương đối và an toàn hơn so với Evergrande.
Thứ ba, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, tuy nhiên dư địa tăng trưởng còn rất lớn do tỷ lệ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp/GDP vẫn thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực, chỉ 14% GDP.
Như vậy sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết, giúp đóng góp nhiều lợi ích đến quá trình phát triển kinh tế của đất nước, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn để phát triển, giảm áp lực huy động vốn cho ngân hàng, đồng thời cung cấp cho các nhà đầu tư cá nhân thêm các lựa chọn.
Theo nhận định của một số chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển và thực tế đã cho thấy đây là một kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, trái phiếu doanh nghiệp còn tạo ra một loại hình đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và không chuyên.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng Đầu tư, Công ty Mirrae Asset Việt Nam, gần đây truyền thông hay nói đến trái phiếu “3 không” (không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán) nhưng nếu doanh nghiệp rất tốt thì không cần các yếu tố này.
Theo đó, để tránh rủi ro nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào thị trường này cần lưu ý đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu và do đó cần trang bị cho mình kiến thức cần thiết để không bị cám dỗ bởi mức lãi suất chào mời quá cao, từ đó lựa chọn được trái phiếu an toàn và hiệu quả.
Theo reatimes.vn